Các nguồn tin thân cận cho biết các “đại gia” công nghệ của Mỹ như Google và Facebook đang lên kế hoạch tìm cách hoãn việc bị áp khoản thuế kỹ thuật số mới tại Ấn Độ.
Khoản thuế này đã được đưa ra một cách bất ngờ khi các công ty đang nỗ lực hạn chế tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chính phủ Ấn Độ hồi tuần trước đã thông báo từ ngày 1/4, tất cả các hóa đơn từ nước ngoài yêu cầu thanh toán cho các dịch vụ kỹ thuật số được cung cấp trong nước sẽ bị áp mức thuế 2%.
Ngoài ra, khoản thuế trên cũng sẽ áp dụng cho các giao dịch thương mại điện tử trên các trang mua sắm trực tuyến như Amazon.com, cũng như doanh thu quảng cáo kiếm được từ các công ty ở nước ngoài nếu những quảng cáo này nhắm tới mục tiêu khách hàng ở Ấn Độ.
[Các đại gia công nghệ choáng váng vì bị "bốc hơi" hơn 1.300 tỷ USD]
Sau khi thông tin trên được đưa ra, giới điều hành của các công ty công nghệ hàng đầu đã tham gia các cuộc họp trực tuyến do các nhóm vận động hành lang kinh doanh Mỹ - Ấn tổ chức vào tuần trước. Các nguồn tin thân cận cho biết những công ty này quyết định đề xuất với chính phủ Ấn Độ hoãn khoản thuế nói trên ít nhất trong sáu tháng.
Trong số này, Google đặc biệt lo ngại họ sẽ không thể nhanh chóng xác định các quốc gia có khác hàng xác định quảng cáo của họ nhắm đến người dùng Ấn Độ. Điều này sẽ càng làm tăng các yêu cầu về công nghệ và tính tuân thủ của công ty.
Theo giới quan sát, mức độ gián đoạn về tuân thủ do khoản thuế trên có thể gây ra hiện vẫn không rõ ràng. Việc chính phủ Ấn Độ có thể thu được bao nhiêu tiền từ khoản thuế mới này cũng chưa được ước tính cụ thể.
Khoản thuế mới nêu trên được đưa vào trong ngân sách sửa đổi 2020-2021 được New Dehli thông qua vào tuần trước, khiến các công ty chỉ có vài ngày để chuẩn bị. Khoản thuế cũng không thuộc các đề xuất ngân sách được trình bày lần đầu tiên vào ngày 1/2.
Thông tin về khoản thuế kỹ thuật số mới được công bố giữa bối cảnh Ấn Độ và Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi trong lĩnh vực thuế quan.
Song các nguồn tin cho biết dù khoản thuế đã “đánh động” và khiến chính phủ Mỹ phải xem xét, Washington ít có khả năng phản ứng ngay lập tức do còn ưu tiên đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này./.