Đề nghị bổ sung quy định cấm lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi

Theo đại biểu Quốc hội, để phát triển hiệu quả, bền vững ngành chăn nuôi, cần siết chặt công tác quản lý chất lượng, quản lý sản xuất, quản lý môi trường
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi ảnh 1Toàn cảnh phiên họp chiều 14/6. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 14/6, sau khi biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi.

Xây dựng Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi

Đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật Chăn nuôi, bởi theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) ngành chăn nuôi trong những năm qua đã có sự phát triển khá nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển các sơ sở chăn nuôi quy mô lớn và phát triển ngành chăn nuôi.

Văn bản pháp luật cao nhất liên quan đến ngành này là Pháp lệnh giống vật nuôi được ban hành cách đây 14 năm. Sự ra đời của Luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý, khắc phục khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi của nước ta thời gian tới.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng còn một số nội dung chưa được làm rõ, ban soạn thảo cần phân tích, làm rõ hơn để xác định chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) phân tích thực trạng ngành chăn nuôi Việt Nam còn yếu tố tự phát, quy mô nông hộ cao, phần lớn chưa theo chuỗi. Tổng điều tra nông nghiệp nông thôn vừa qua cho thấy số lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGap và tương đương còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Việc kiểm soát dịch bệnh, môi trường, chất thải chưa được quản lý và kiểm soát chặt.

Theo đại biểu, định hướng sản xuất toàn ngành thời gian tới là hết sức cần thiết. Ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung quy định một mục riêng về Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, nêu rõ định hướng, quan điểm, mục tiêu phấn đấu, làm cơ sở cho cơ quan chức năng xây dựng thực hiện trong thực tế.

Để phát triển hiệu quả, bền vững ngành chăn nuôi, cần siết chặt công tác quản lý chất lượng, quản lý sản xuất, quản lý môi trường; để khả thi cần phân hóa phương pháp tác động, đảm bảo hợp lý đối với người sản xuất là hộ nông dân nhỏ lẻ.

Đối với chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển thị trường chăn nuôi, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nhận định các quy định của dự án Luật chưa đủ khắc phục được khó khăn hiện nay về ổn định sản phẩm “đầu ra” cũng như thị trường cho phát triển chăn nuôi.

Cơ quan soạn thảo cần quan tâm thiết kế sâu, rõ hơn liên quan đến nội dung này theo hướng đầu tư, hỗ trợ chính sách, nghiên cứu có dự báo thị trường; có sự phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hiệp hội, địa phương để hỗ trợ người nông dân, người chăn nuôi trong điều kiện hiện nay. Không thể để người nông dân “tự bơi” khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, nhất là khi Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đại biểu Đỉnh nêu quan điểm.

Hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Thể hiện sự quan tâm đối với nội dung về quản lý thức ăn chứa kháng sinh trong chăn nuôi, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng quy định này chỉ phù hợp với việc chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại, giết mổ tập trung; trong khi việc chăn nuôi của nước ta chủ yếu là chăn nuôi, tiêu thụ nhỏ, lẻ, tiêu thụ tại chỗ.

Đại biểu phân tích việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm phòng, trị bệnh cho giống vật nuôi, nhất là loại hình chăn nuôi trang trại công nghiệp đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, thời gian qua cũng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi ở Việt Nam. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có quy định riêng và gọi là thức ăn thuốc.

Tuy giải trình của các cơ quan chức năng cho rằng nhóm kháng sinh an toàn sẽ được quản lý theo ngưỡng cho phép trên cơ sở các quy định về quản lý thuốc thú y hiện hành, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, trị bệnh cho vật nuôi, vừa giảm thiểu nguy cơ rủi ro do kháng sinh gây ra với sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường. Tuy nhiên, các nước trên thế giới sử dụng thức ăn thuốc vì họ kiểm soát được nhờ có ngành chăn nuôi, giết mổ tập trung theo phương pháp công nghiệp.

Nhưng với việc chăn nuôi, giết mổ nhỏ, lẻ đang chiếm tỷ trọng lớn ở nước ta hiện nay, các cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát được như ở các nước có ngành chăn nuôi tập trung, tiên tiến, phát triển.

[Luật chống tham nhũng không phải "con dao" duy nhất cắt dây tham nhũng]

Kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và rất khó xác định đối với chăn nuôi, tiêu thụ nhỏ, lẻ, tiêu thụ tại chỗ. Việc có đủ thời gian cách ly hay không, thuốc kháng sinh có tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi hay không, chỉ có người chăn nuôi biết.

Các chủ cơ sở chăn nuôi sẽ cho tiêu thụ tại chỗ loại thực phẩm có vấn đề tồn dư thuốc kháng sinh, loại bảo đảm an toàn sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ ở thị trường có kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng. Cần cân nhắc quy định này; nếu giữ quy định này, ban soạn thảo cần bổ sung đầy đủ, cụ thể vào dự án luật; không nên giao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định sẽ khiến Bộ trưởng gặp nhiều áp lực, không thể lường hết các vấn đề, đại biểu Mai Sỹ Diến nêu rõ.

Cùng quan điểm, đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung vào dự án Luật quy định cấm lạm dụng kháng sinh; sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi. Bởi hiện nay, nhiều người dân có quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên họ sử dụng thức ăn có chứa kháng sinh như một cách thường quy để phòng bệnh, dẫn đến tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, khi vật nuôi bệnh rất khó điều trị và dẫn đến bùng phát dịch bệnh.

Bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

Đối với quy định về quản lý môi trường, chất thải trong chăn nuôi, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) dẫn chứng theo đánh giá của ngành chức năng, mỗi năm có trên 85 triệu chất thải từ chăn nuôi ra môi trường. Việc xử lý chất thải chăn nuôi mặc dù được các ngành chức năng quan tâm, nhưng thực tế hầu hết tại các địa phương, những trang trại chăn nuôi có quy mô vừa, nhỏ, không có điều kiện về tài chính để đầu tư vận hành công trình xử lý chất thải đạt chuẩn, đã tác động không nhỏ đến môi trường sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.

Đại biểu Minh Trang đề nghị cùng với quy định về nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, quản lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi; chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững.

Liên quan đến quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi, đại biểu Minh Trang cho rằng dự án Luật quy định cấm chăn nuôi trang trại trong khu dân cư, chăn nuôi phải tách biệt với nhà ở là khó khả thi.

Thực tiễn cho thấy việc phân bố dân cư ở khu vực đồng bằng luôn đông đúc, nếu đặt xa khu vực dân cư này sẽ gặp khu vực dân cư khác... Quy định như dự án Luật là thiếu tính bao quát. "Khó quản thì cấm" sẽ gây khó khăn đến hoạt động chăn nuôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi ảnh 2Toàn cảnh phiên họp chiều 14/6. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, xem xét điều chỉnh quy định cho khả thi hơn, cần thiết phải có lộ trình phù hợp theo đặc thù vùng, miền theo hướng chăn nuôi là hoạt động có điều kiện, có chế tài nghiêm ngặt, nhưng yêu cầu về bảo đảm môi trường, giữ gìn an toàn vệ sinh nguồn nước sinh hoạt và không ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cư dân trong khu vực.

Mặt khác, quy định chăn nuôi trong khu dân cư còn mâu thuẫn chồng chéo với điểm a khoản 4 điều 38 của dự án Luật quy định: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định chi tiết các khu vực thuộc nội thành, nội thị của địa phương không được phép chăn nuôi; quy định các khu đông dân cư không được chăn nuôi trang trại." Như vậy có thể hiểu thực tiễn cũng có nơi trong khu vực nội thành, nội thị, khu vực dân cư được phép chăn nuôi. Ban soạn thảo nên xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, tránh trùng lắp, mâu thuẫn với các điều khoản khác ngay trong dự án Luật.

Bên cạnh đó, quy định về khoảng cách trong chăn nuôi còn bỏ ngỏ trong dự án Luật. Khoản 2 điều 44 chỉ giúp người có quyền, nghĩa vụ chăn nuôi hiểu thế nào là khái niệm khoảng cách và giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về nội dung này. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn, bị động cho doanh nghiệp và người dân trong việc chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh. Khi Luật có hiệu lực thi hành lại tiếp tục chờ hướng dẫn quy định.

Đồng thời, quy định trong thời gian 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở đã, đang hoạt động phải giản quy mô chăn nuôi, di dời đến địa điểm phù hợp, dự báo sẽ tác động lớn đến các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lớn - đại biểu Trang tỏ ý băn khoăn.

Nhất trí với quy định nơi chăn nuôi (khu, chuồng) phải tách biệt với nhà ở, bởi việc chuồng trại tách biệt sẽ đảm bảo vệ sinh, phòng, chống được việc lây nhiễm bệnh chéo từ vật nuôi sang người, tuy nhiên đại biểu Dương Tuấn Quân kiến nghị ban soạn thảo cần khảo sát thực tế, tuyên truyền, có cơ chế hỗ trợ kinh phí chuồng trại đối với những người dân ở vùng núi, người đồng bào dân tộc thiểu số vì họ vẫn còn tập quán, nuôi nhốt vật nuôi ở dưới nhà sàn để giữ ấm; cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, việc xây dựng chuồng trại riêng cần được hỗ trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục