Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 23-29/6, sáng 26/6, tại bờ biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương,” hưởng ứng một trong những chủ đề của Kỳ họp lần này, đó là khắc phục các mối đe dọa môi trường do ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thành phố biển Đà Nẵng được biết đến với những danh hiệu như “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam,” “Một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015,” luôn hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy đang bị đe dọa bởi sự gia tăng các loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.
Hoạt động làm sạch bãi biển nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển, cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung, rác thải nhựa nói riêng.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước tích cực phối hợp, tham gia với ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện thường xuyên, hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển, nhằm gìn giữ môi trường biển cho chính chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau.
[Ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu]
Cũng tại buổi lễ, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) Maimunah Mohd Sharif cho biết ô nhiễm đại dương hay ô nhiễm biển là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay. Những năm gần đây, chúng ta phải chứng kiến thực trạng ô nhiễm đại dương với tốc độ tăng nhanh chưa từng thấy, nguyên nhân chính do rác thải công nghiệp, nông nghiệp hoặc chất thải sinh hoạt.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững,” trong đó chỉ tiêu 14.1 đặt ra đến năm 2025, ngăn chặn và làm giảm đáng kể tất cả các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền.
Cũng theo bà Maimunah Mohd Sharif, ngoài việc tìm kiếm giải pháp công nghệ, chúng ta phải chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về rác thải đại dương và trách nhiệm cộng đồng trong quản lý, bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, bà Maimunah Mohd Sharif cũng cam kết với Việt Nam sẽ hợp tác và hỗ trợ đối tác, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động chống ô nhiễm biển.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi lễ, Giám đốc Tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Adriana Dinu nói: "Sự có mặt, tham gia của quý vị, đại diện của các quốc gia, sinh viên, thanh niên và quân đội ngày hôm nay cho thấy nỗ lực lớn trong việc giữ đại dương không bị ô nhiễm. Tất cả chúng ta đều hưởng lợi từ vịnh biển xinh đẹp này và chúng ta cùng phải hành động để bảo vệ nó."
Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam góp phần vào ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Với 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, Việt Nam cần tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ và phục hồi đại dương, vùng bờ. UNDP đã phối hợp với Chính phủ, người dân Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, lối sống bền vững và thói quen mua sắm bền vững hơn.
Một ví dụ về sáng kiến thay đổi hành vi đó là UNDP và các cơ quan khác của Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc thử thách bảy ngày để khuyến khích ăn, ở, đi lại thông minh, bền vững. Tại văn phòng làm việc, chúng tôi không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp.
Bà Adriana Dinu cũng khẳng định, cần có cam kết và hành động. Hãy cùng thu nhặt rác và thải rác đúng chỗ, ngừng việc vứt rác bừa bãi ra khu công cộng. Hãy cùng nhau sử dụng sản phẩm địa phương thân thiện môi trường và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Sau buổi lễ, hơn 600 đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên, đại biểu và người dân đã xuống các bãi biển tham gia nhặt rác, dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh./.