Các cường quốc và Iran gặp nhau lần đầu kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA

Kể từ khi ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước còn lại tham gia thỏa thuận mang tên JCPOA này sẽ nhóm họp lần đầu tiên tại Vienna của Áo vào ngày 25/5.
Các cường quốc và Iran gặp nhau lần đầu kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước còn lại tham gia thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) này sẽ nhóm họp lần đầu tiên tại Vienna của Áo, ngày 25/5.

Theo các nhà ngoại giao, tại cuộc gặp do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì, các quan chức Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga sẽ phối hợp với Thứ trưởng Ngoại giao Iran tìm một chiến lược mới nhằm cứu vãn thỏa thuận trên bằng việc duy trì dòng đầu tư và các hợp đồng mua bán dầu mỏ bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Về phần mình, phía Iran muốn tìm kiếm các bảo đảm từ phía châu Âu rằng họ có thể bảo vệ các hợp đồng thương mại, đồng thời muốn được đảm bảo rằng các bên liên quan sẽ tiếp tục mua dầu của Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif trước đó đã bày tỏ hy vọng các nước còn lại sẽ đưa ra "một gói mới" trong khuôn khổ thỏa thuận đã đạt được mà không đưa thêm vào "bất cứ vấn đề nào khác."

Một quan chức Iran cho biết: "Đây là một cuộc gặp rất quan trọng, cho thấy các bên liên quan có nghiêm túc với thỏa thuận hay không."

Trước thềm cuộc gặp trên, Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei đã nêu ra các điều kiện để Tehran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, trong đó có điều kiện các ngân hàng châu Âu phải bảo đảm giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

[Mỹ mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty của Iran]

Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, cho rằng thỏa thuận này không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của nước này trong các cuộc xung đột tại Trung Đông, cũng như không đề cập tình hình sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2025.

Dù có chung các lo ngại trên, nhưng các nước châu Âu cho biết chừng nào Tehran tuân thủ các cam kết của mình, họ sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận.

Ngày 24/5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận, nhưng cần nhanh chóng và chủ động hơn trong việc cho phép các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất.

Trong khi đó, phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 24/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích châu Âu không có hành động chống lại chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran trong ba năm qua cũng như không có hành động cụ thể để ủng hộ chiến dịch của Mỹ đưa Iran vào danh sách nước tài trợ khủng bố.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/5 thông báo áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng một số máy bay của 4 hãng hàng không Iran với lý do để ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Thỏa thuận này được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh tại Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục