Các cường quốc tầm trung có thể định hình khuôn khổ an ninh mới

Nhóm Bộ tứ Cường quốc Tầm trung (MPQ) nếu được thành lập có thể trở thành một bước tiến hướng tới việc thiết lập một khuôn khổ ASEAN-MPQ rộng lớn hơn.
Các cường quốc tầm trung có thể định hình khuôn khổ an ninh mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Etemaad Daily)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang nóng lên từng ngày. Xu hướng này giờ đây dường như không thể đảo ngược.

Các quốc gia tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, đang bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện đã đến thời điểm các quốc gia này xem xét tăng cường hợp tác khu vực hiệu quả thông qua việc xây dựng dựa trên các tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung tâm.

Những người chơi chính bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc có thể được gọi là “Nhóm Bộ tứ Cường quốc Tầm trung” (MPQ). Nếu được thành lập, nhóm này có thể trở thành một bước tiến hướng tới việc thiết lập một khuôn khổ ASEAN-MPQ rộng lớn hơn.

Hành vi gần đây của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy quyết tâm cao của họ nhằm “khôi phục” vùng ảnh hưởng truyền thống ở châu Á và xa hơn nữa.

Việc Trung Quốc ban hành Luật An ninh quốc gia áp dụng cho Hong Kong gần như đặt dấu chấm hết cho quyền tự trị chính trị và dân chủ của Hong Kong.

Nhiều người lo sợ về ảnh hưởng ngầm nhưng mang tính thực chất của động thái này đối với chính sách Đài Loan của Bắc Kinh, cộng thêm những lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập để chống lại can thiệp quân sự của Mỹ tại Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

[NHK: Các ngoại trưởng Bộ tứ Kim cương sắp nhóm họp ở Tokyo]

Mỹ hiện coi sự quyết đoán của Trung Quốc là thách thức đối với sự vượt trội của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như là mối đe dọa đối với các thể chế và giá trị dân chủ.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) càng làm phức tạp hơn nữa quan hệ song phương và thúc đẩy sự thù địch giữa hai nước.

Mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động hai mặt tới trật tự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai. Thứ nhất, không gian để các nước trong khu vực hành động độc lập sẽ tiếp tục bị thu hẹp khi cuộc đối đầu gia tăng.

Thứ hai, COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải thắt chặt kiểm soát biên giới và tiến hành hành động đơn phương để đối phó với sự lây lan của virus, cản trở họ đưa ra những suy nghĩ hành động hướng tới khu vực. Kết quả là các quốc gia này bị buộc phải chọn bên.

Việc khôi phục hợp tác đa phương là cần thiết để tránh nguy cơ các quốc gia này mất đi quyền tự trị. Nhiều người tại Nhật Bản coi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) là một công cụ để đạt được điều này.

Nội dung FOIP, được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng, được coi là đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Tuy nhiên, giữa năm 2018, chính quyền Abe đã ngừng gọi sáng kiến này là “chiến lược” và thay vào đó gọi đó là “tầm nhìn.”

Tầm nhìn của Nhật Bản về FOIP giờ đã trở thành một tầm nhìn về các chính sách khu vực từ lâu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, bao gồm tái khẳng định các quy trình và thể chế do ASEAN làm trung tâm. ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” hồi tháng 6/2019 và tuyên bố rằng “phương thức ASEAN” vẫn mang tính hiệu quả trong việc quản lý hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các yếu tố chính trong phương thức ASEAN bao gồm các thể chế như Diễn đàn Khu vực ASEAN, được thiết lập năm 1994, ASEAN+3 từ năm 1997, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được thành lập năm 2005 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ADMM+) được tổ chức từ năm 2010.

Tuy nhiên, phương thức ASEAN là “con dao hai lưỡi” trước sự thù địch Mỹ-Trung gia tăng.

Tính bao hàm là điều kiện tiên quyết cho hợp tác an ninh nhưng ASEAN đồng thời có thể trở thành nơi các cường quốc kiểm soát các thành viên nhỏ hơn. Thái độ khác nhau của thành viên ASEAN đối với Trung Quốc và Mỹ được cho là làm suy yếu tính đoàn kết của tổ chức này.

Cách tiếp cận mới được đề xuất ở đây là thiết lập một khuôn khổ cho hợp tác an ninh khu vực, trong đó không có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc.

Trước khi lôi kéo sự tham gia của hai siêu cường này, phương thức ASEAN cần được củng cố bằng việc thúc đẩy hợp tác với các nước ngoài ASEAN, như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc - phần lớn trong số đó đã tăng cường hợp tác lẫn nhau trong những năm gần đây.

Từ năm 2007-2009, các nước MPQ đã ký kết một loạt tuyên bố song phương về hợp tác an ninh, bao gồm Tuyên bố Chung Nhật Bản-Australia về Hợp tác An ninh hồi tháng 3/2007, Tuyên bố Chung về Hợp tác An ninh Nhật-Ấn tháng 10/2008, Tuyên bố Chung về Cải thiện Hợp tác Toàn cầu và An ninh Australia-Hàn Quốc tháng 3/2009 và Tuyên bố Chung về Hợp tác An ninh Ấn Độ-Australia tháng 11/2009.

Dựa trên các tuyên bố song phương này, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã tổ chức đối thoại ba bên từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2017.

Nếu quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc được cải thiện bởi một thỏa thuận an ninh tương tự, thì khi đó thỏa thuận ba bên với Australia có thể sẽ đạt được.

Theo một cựu quan chức Hàn Quốc, Seoul đã nghiên cứu tuyên bố Nhật Bản-Australia năm 2007 trước khi đưa ra tuyên bố về hợp tác an ninh với Canberra năm 2009. Nội dung của hai tuyên bố này khá tương đồng - chủ yếu về hợp tác an ninh phi truyền thống trong các lĩnh vực như hòa bình quốc tế và cứu trợ thảm họa.

Nhật Bản và Australia đã hoàn tất Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA) - theo đó cho phép trao đổi phần lớn các loại hình hỗ trợ quân sự hồi tháng 5/2010 và được cải tổ vào tháng 1/2017. Nhật Bản và Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán về ACSA song phương từ cuối năm 2019.

Bước đi tiếp theo mà các bên nên tiến hành sẽ là nâng cấp các thỏa thuận song phương này thành thỏa thuận ba bên và cuối cùng là thỏa thuận bốn bên. Mặc dù MPQ không phải là giải pháp thay thế cho ASEAN, nhưng nó nên nhằm mục tiêu hỗ trợ mục tiêu cuối cùng của ASEAN là đạt được hợp tác an ninh.

Tóm lại, triển vọng của việc hiện thực hóa MPQ và cuối cùng là hợp tác ASEAN-MPQ phụ thuộc vào suy nghĩ chiến lược và sự lãnh đạo chính trị hợp lý. Điều này có phần “nói dễ hơn làm,” nhưng nếu không đạt được điều đó, có khả năng các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ mất đi quyền tự trị trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục