Các cuộc thảo luận giữa Anh và EU về Brexit diễn ra tích cực

Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh cho biết những sự thay đổi pháp lý đối với thỏa thuận Brexit sẽ rất khó khăn song những chuyến đi tới Brussels gần đây của các Bộ trưởng Anh đã rất hiệu quả.
Các cuộc thảo luận giữa Anh và EU về Brexit diễn ra tích cực ảnh 1Bộ trưởng David Lidington. . (Nguồn: Reuters)

Ngày 18/2, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington cho biết những sự thay đổi pháp lý đối với thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ rất khó khăn song những chuyến đi tới Brussels gần đây của các Bộ trưởng Anh đã rất hiệu quả.

Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, ông Lidington nêu rõ các thảo luận tại Brussels của ông với EU vào tuần trước rất là hữu ích về chính trị, cả đối với Anh và với EU. Hai bên cũng đã rà soát những khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo ông, việc đàm phán lại thỏa thuận Brexit là rất khó khăn.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, song cho đến nay bà May vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện đối với "thỏa thuận ly hôn." Nhà lãnh đạo này đang thử đưa ra các thay đổi đối với phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận-điều khoản "rào chắn."

Điều khoản này nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) với nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU) thời hậu Brexit nếu hai bên chưa đạt thỏa thuận thương mại song phương.

Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland không ủng hộ vì điều khoản này đồng nghĩa với việc Anh tiếp tục ở lại liên minh thuế quan của EU, vì vậy họ nỗ lực loại bỏ điều khoản này khỏi "thỏa thuận ly hôn."

[Brexit: Anh có thể chấp nhận đảm bảo pháp lý về điều khoản rào chắn]

Trong khi đó, Công đảng đối lập tại Anh cho biết sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận của chính phủ nếu Thủ tướng May đưa ra năm cam kết pháp lý, trong đó có việc tham gia liên minh thuế quan chung. Các bất đồng đã dẫn tới việc gần sát thời thời điểm phải ra đi nhưng thỏa thuận của bà May vẫn chưa nhận được đủ số phiếu cần thiết.

Trong cuộc bỏ phiếu mới nhất tối 14/2, các nghị sỹ Anh đã từ chối bảo đảm sự ủng hộ đối với kế hoạch của Thủ tướng May nhằm tìm kiếm những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit của bà. Kết quả này đã tạo thêm một "nút thắt" cho tiến trình đàm phán Brexit kéo dài hai năm, khắc sâu thêm rạn nứt trong cơ quan lập pháp Anh về cách thức đưa vương quốc này rời EU.

Nếu thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đề xuất không được phê chuẩn trước ngày 29/3, bà sẽ phải quyết định hoặc hoãn Brexit hoặc để mặc cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới này rời khỏi EU trong hỗn loạn vì không có thỏa thuận nào.

Trong khi đó, nội bộ chính trường Anh đang rất rối ren. Công đảng đối lập đứng trước nguy cơ bị chia rẽ, khi một nhóm nhỏ nghị sỹ định rời đảng do thất vọng với thủ lĩnh Jeremy Corbyn trong cách tiếp cận vấn đề Brexit và tranh cãi về tư tưởng bài Do Thái.

Nhóm nhỏ này, có thể bao gồm năm nghị sỹ sẽ đưa ra thông báo trong ngày 18/2, sau nhiều tuần kêu gọi ông Corbyn thay đổi chiến lược và bắt đầu mở chiến dịch trưng cầu ý dân lần hai về tư cách thành viên của Anh trong EU. Điều này cho thấy sự phản đối mạnh mẽ về cách tiếp cận của ông Corbyn với sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại và thương mại của Anh trong hơn 40 năm qua.

Trong cuộc trưng cần dân ý năm 2016, 52% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ cầm quyền, lẫn Công đảng đối lập. Triển vọng tổ chức trưng cầu lần hai đặt ra thách thức lớn cho ông Corbyn, khi có nhiều thành viên trong đảng ủng hộ ý kiến người dân, trong khi những người khác lại muốn Anh rời EU sớm nhất có thể.

Ngoài ra, thủ lĩnh Công đảng Corbyn còn bị chỉ trích vì không giải quyết được vấn đề bài người Do Thái trong nội bộ đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục