Ngày 26/10, giới chức Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về gói chi tiêu mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán dường như đã “mất đà,” qua đó làm mất dần hy vọng về một thỏa thuận trước cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.
Sau nhiều tháng đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Dân chủ Nancy Pelosi, quỹ thời gian để các gói kích thích được Tổng thống Donald Trump thông qua trước khi ông tái tranh cử vào tuần tới đang gần hết.
[Mỹ: Nhà Trắng thúc đẩy sớm thông qua gói cứu trợ COVID-19 thứ hai]
Việc liệu một gói kích thích kinh tế mới có thể được thông qua trước khi Quốc hội mới được bầu vào tháng 1/2021 hay không vẫn chưa rõ ràng.
Bà Pelosi đã có cuộc nói chuyện kéo dài khoảng một giờ đồng hồ với ông Mnuchin vào ngày 26/10. Phát ngôn viên của bà cho biết Chủ tịch Hạ viện vẫn lạc quan rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử sắp tới.
Hai bên đã thu hẹp sự khác biệt về quy mô của gói kích thích xuống còn khoảng 2.000 tỷ USD, song vẫn có những mâu thuẫn về mức chi chính xác và những điều khoản quan trọng của gói chi tiêu.
Phía đảng Cộng hòa yêu cầu các biện pháp hạn chế hơn, trong khi đảng Dân chủ nhấn mạnh vào viện trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương.
Trước khi các cuộc đàm phán ngày 26/10 diễn ra, Cố vấn Kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow cho hay tiến trình đàm phán đang chậm lại nhưng chưa kết thúc.
Ông Kudlow cho hay các bên đã tiến gần nhau hơn, song vẫn còn những khoảng cách trong nhiều vấn đề chính sách quan trọng. Ông tin rằng cần có nhiều thỏa hiệp hơn từ phía Hạ viện để đạt được một thỏa thuận chi tiêu mới.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, ông Kudlow tiếp tục nói về đà phục hồi vững chắc cho kinh tế Mỹ từ sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và lệnh đóng cửa kinh doanh trên diện rộng. Ông vẫn cho rằng đà phục hồi trên có thể "tự duy trì" ngay cả khi không có gói kích thích mới.
Nhưng hầu hết các nhà kinh tế không đồng ý và cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tránh được một cuộc suy thoái tồi tệ hơn nhờ khoản hỗ trợ trị giá 3.000 tỷ USD hồi đầu năm.
Khoản tiền trên đã nhanh chóng được "bơm" vào hệ thống dưới dạng trợ cấp thất nghiệp mở rộng, hỗ trợ trả lương và các khoản vay cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.
Giới quan sát cảnh báo tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 mới có thể khiến người dân Mỹ miễn cưỡng đi mua sắm tại các cửa hàng ngay cả khi không có các hạn chế do chính quyền áp đặt, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Điều này khiến triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ trở nên không chắc chắn./.