Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tiếp tục diễn ra ở Pháp

Ngày 23/7, hàng chục nghìn người Pháp xuống đường, tham gia các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố nhằm yêu cầu Israel ngừng các vụ ném bom Dải Gaza.
Tuần hành tại Paris, Pháp, phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza, ngày 23/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 23/7, hàng chục nghìn người Pháp; trong đó có nhiều nghị sỹ các đảng cánh tả đã xuống đường, tham gia các cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố như Paris, Lyon, Toulouse, Strasbourg….

Các cuộc biểu tình trên hưởng ứng lời kêu gọi của các đảng cánh tả, các nghiệp đoàn, các hiệp hội bảo vệ quyền con người và các tổ chức ủng hộ Palestine, nhằm yêu cầu Israel ngừng ngay các vụ ném bom Dải Gaza, dỡ bỏ lệnh bao vây đối với vùng đất này, đồng thời triển khai các biện pháp trừng phạt Israel.

Tại Paris, theo cảnh sát, cuộc biểu tình thu hút 14.5000 người còn theo giới quan sát có 25.000 người, diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát sau khi các vụ bạo loạn và hành động đập phá, bài Do Thái diễn ra liên tiếp tại hai cuộc biểu tình không phép ngày 19 và 20/7 tại các khu phố nằm ở phía Bắc thủ đô Paris.

Ngày 19/7, một cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 10.000 người ủng hộ Palestine tại khu phố Barbès, đã biến thành cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình quá khích do những người này đã ném gạch đá, chai lọ về phía cảnh sát buộc lực lượng này phải đáp trả bằng lựu đạn hơi cay.

Ngày 20/7, một cuộc biểu tình ở Sarcelle, ngoại ô Paris, nơi có nhiều người Do Thái sinh sống cũng đã dẫn đến bạo loạn. Một số thanh niên đã ném đá vào cảnh sát, đốt xe hơi giữa đường phố, đập phá các cửa hàng của người Do Thái.

Các hành vi bài Do Thái đi cùng với các hành động đập phá tại hai cuộc biểu tình trước đó đã chấn động nước Pháp. Vụ việc nghiêm trọng đến mức ngay lập tức 8 người biểu tình quá khích tại Barbès đã bị tuyên án tù treo, còn 4 thanh niên biểu tình tại Sarcelle đã bị xử vì những hành vi bạo lực và bị kết án từ 3 đến 6 tháng tù giam.

Khác với một số nước châu Âu nơi mà các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối các cuộc tấn công của Israel, diễn ra suôn sẻ, tại Pháp, các cuộc biểu tình liên quan đến Palestine thường kết thúc bằng các vụ đụng độ.

Báo chí Pháp những ngày qua tranh cãi đúng sai xung quanh việc chính quyền cấm biểu tình. Nhiều tờ báo cho rằng, chính lệnh cấm đã dẫn đến bạo loạn và làn sóng bài Do Thái dâng cao. Các nhà chức trách, cho rằng cấm biểu tình để tránh bạo động.

Thủ tướng Manuel Valls giải thích rằng cuộc biểu tình ngày 23/7 được cấp phép là do những người tổ chức đã cam kết đảm bảo an ninh, trong khi báo chí Pháp cho biết lộ trình của cuộc tuần hành đã được thay đổi, thay vì tuần hành bên hữu ngạn sông Seine nơi có một số đền thờ Do Thái và Đại sứ quán Israel, lộ trình cuộc tuần hành đã được chuyển sang bên tả ngạn.

Kể từ khi bắt đầu phong trào Infatida lần thứ hai của người dân Palestine chống lại sự chiếm đóng bất hợp pháp của Nhà nước Do Thái Israel vào năm 2000, mỗi khi xảy ra xung đột giữa Israel và Palestine, hệ quả của nó luôn được thể hiện ngay lập tức tại Pháp với việc gia tăng các hành động bài Do Thái và các hành vi quá khích của người biểu tình ủng hộ Palestine.

Những hình ảnh đập phá tại Barbès và Sarcelle cùng những lời nói hận thù trên mạng xã hội đã cho thấy một thực tế mà nước Pháp phải đối mặt, đó là các rạn nứt bên trong lòng xã hội Pháp.

Các rạn nứt đó ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Pháp là nước có cộng đồng người Hồi giáo đông nhất châu Âu, dao động xung quanh 3,5-5 triệu người và cộng đồng người Do Thái vào khoảng 500.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục