Các công ty viễn thông Nhật Bản ngày 11/11 đã đồng loạt khiếu nại lên Bộ Truyền thông nước này về kế hoạch mua lại nhà mạng di động lớn nhất đất nước NTT Docomo trị giá 40 tỷ USD của công ty mẹ NTT, cảnh báo thương vụ trên sẽ "ngăn cản cạnh tranh công bằng."
Vào tháng 9/2020, NTT - công ty viễn thông có sự "chống lưng" của Chính phủ Nhật Bản - đã công bố kế hoạch mua số cổ phần còn lại của NTT Docomo với giá trị dự kiến ở mức kỷ lục 40 tỷ USD.
NTT hiện nắm giữ 66% cổ phần của NTT Docomo và Giám đốc điều hành (CEO) của công ty cho rằng động thái này sẽ nâng cao "khả năng cạnh tranh và tăng trưởng."
Tuy nhiên, vào ngày 11/11, 28 công ty viễn thông Nhật Bản bao gồm các đối thủ của Docomo là SoftBank Corp và KDDI đã gửi một lá thư chung tới Bộ trưởng Truyền thông Nhật Bản để phản đối động thái này.
[NTT có kế hoạch giành quyền kiểm soát 100% với công ty con Docomo]
Họ lập luận rằng việc biến NTT Docomo trở thành một công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của NTT "sẽ tạo ra một thế lực mạnh mẽ thống trị thị trường."
Điều này sẽ ngăn cản cạnh tranh công bằng trên thị trường viễn thông Nhật Bản và lợi ích người tiêu dùng có thể bị tổn hại.
Bức thư chung kêu gọi Bộ trưởng Truyền thông "thiết lập các biện pháp để bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng, đồng thời hướng dẫn và đảm bảo sự tuân thủ những biện pháp đó.”
Thương vụ của NTT diễn ra trong bối cảnh tình hình cạnh tranh trên lĩnh vực viễn thông Nhật Bản gia tăng mạnh mẽ, với mạng 5G đang trên đà phát triển và áp lực từ Chính phủ buộc các công ty Nhật Bản phải cắt giảm giá dịch vụ điện thoại di động.
Nếu có thể kiểm soát hoàn toàn NTT Docomo, NTT có thể nhanh chóng đẩy giá dịch vụ di động xuống, buộc các đối thủ cạnh tranh phải làm theo. Song những người đứng đầu của cả hai công ty đều phủ nhận rằng áp lực về giá cả là yếu tố thúc đẩy thỏa thuận này.
Việc mời thầu đã bắt đầu vào tháng Chín và vẫn mở cho đến ngày 16/11, trong khi thương vụ mua lại của NTT dự kiến sẽ được hoàn tất vào khoảng tháng 3/2021./.