Các công ty Mỹ quay về mở rộng sản xuất trong nước

Xu hướng các công ty Mỹ quay về thị trường trong nước mở rộng sản xuất diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 8%.
Sau nhiều thập kỷ coi trọng đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm giá công lao động rẻ cộng với chính sách khuyến khích mới của chính phủ, giờ đây ngày càng có thêm nhiều công ty Mỹ quay về trong nước để mở rộng sản xuất nhằm cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài ngay tại thị trường Mỹ.

Phát biểu trước báo giới ngày 24/7, ông Raymond Sjolseth, đồng sáng lập và là Chủ tịch công ty đèn chiếu sáng Seesmart Inc có trụ sở tại bang California cho biết trước đây, tất cả sản phẩm đèn chiếu sáng LED của công ty đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, do việc vận chuyển chậm và giá chi phí đắt đỏ cùng với chủ trương muốn kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình sản xuất, công ty của ông từ năm ngoái đã có sự điều chỉnh về chiến lược, theo đó bắt đầu xây dựng các nhà máy, công xưởng tại thung lũng Simi thuộc bang Califonia và tại khu vực Crystal Lake thuộc bang Illinois.

Theo tính toán của ông Sjolseth, với việc mở rộng sản xuất ở trong nước, Seesmart có thể giảm được khoảng 30% chi phí về hậu cần và vận chuyển.

Bên cạnh Seesmart Inc, các doanh nghiệp khác như công ty chế tạo khóa Master Lock, công ty chế tạo phần mềm của General Electric (GE) và công ty chế tạo thiết bị xây dựng, khai khoáng và động cơ Caterpillar Inc đều đã và đang xây dựng các nhà máy, mở rộng sản xuất tại Mỹ để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường có giá công lao động thấp như Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.

Đây là một trào lưu đang diễn ra tại Mỹ, cho dù các chuyên gia cho rằng xu thế này khó trở thành một cơn sốt, nhất là đối với các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như may mặc và điện tử.

Kết quả thăm dò mới đây của tổ chức Hackett Group Inc cho biết trong số các giám đốc điều hành các công ty của Mỹ ở châu Âu và Bắc Mỹ được hỏi ý kiến, có tới 46% cho biết họ đang cân nhắc việc đưa một số công đoạn sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ và 27% nói rằng họ đang tích cực lập kế hoạch cho sự điều chỉnh này.

Xu hướng các công ty của Mỹ quay về thị trường trong nước để mở rộng sản xuất diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn đang ở mức cao hơn 8%.

Chủ đề xuất khẩu việc làm ra nước ngoài cũng đang trở thành vấn đề tranh cãi lớn trong năm bầu cử 2012.

Tuần trước, trong bài phát biểu vận động tranh cử tại bang quan trọng Ohio, Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney khi là chủ doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều việc làm của người dân Mỹ ra nước ngoài.

Thăm dò mới đây của hãng tin kinh tế Bloomberg cho biết có tới 78% người dân Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng việc các công ty Mỹ đầu tư và đưa việc làm ra nước ngoài là một nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ không giảm mạnh trong hai, ba năm qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục