Từ 1/2/2017, Việt Nam thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử (E-visa) trong 2 năm đối với công dân của 40 quốc gia khi nhập cảnh đến Việt Nam. Đây là điều mà các doanh nghiệp lữ hành inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam) đánh giá là bước phát triển tất yếu trong xu thế hội nhập, qua đó thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam thời gian tới.
Ông Trần Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt chia sẻ việc cấp thị thực E-visa cho du khách nước ngoài là một trong những mắt xích quan trọng giúp mở rộng cánh cửa đón du khách quốc tế đến Việt Nam.
Du khách quốc tế không mất nhiều thời gian trong việc làm thủ tục, tạo ra sự thoải mái đầu tiên cho du khách khi đặt chân đến Việt Nam. Mặt khác, chủ trương này cũng tháo gỡ những khó khăn trước đây cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc tổ chức thủ tục xin visa và phát triển ngành du lịch Việt Nam theo xu hướng chung của thế giới.
Do đó, ông Trần Văn Long cho rằng sau thời gian thí điểm và hoàn thiện việc tổ chức cấp thị thực điện tử, chính phủ cần tiếp tục mở rộng, áp dụng thêm đối với công dân của các quốc gia khác, nhằm góp phần đưa ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng - Giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ, việc cấp thị thực điện tử từ lâu đã được nhiều nước trong khu vực ASEAN áp dụng, điển hình như Campuchia đã triển khai từ khoảng hơn 4 năm nay. Việc áp dụng chính sách này tạo sự minh bạch, khách du lịch không vướng vào các thủ tục, các chi phí không cần thiết. Như trước đây, khách đi du lịch nước ngoài cần làm thủ tục visa phải đăng ký bằng cách mua tour ở các công ty du lịch và phải trả khoản phí nhất định.
Đại diện Công ty Du lịch Vietravel cũng cho rằng việc áp dụng visa điện tử là điều mà hầu hết các doanh nghiệp lữ hành nói chung và du khách nói riêng đã được các doanh nghiệp lữ hành trông chờ từ rất lâu. Tuy nhiên, cũng rất cần ở các chính sách này một sự ổn định cần thiết để công ty du lịch đưa thông tin vào sản phẩm, giới thiệu cho khách quốc tế biết và nắm bắt rõ ràng.
Chia sẻ tầm quan trọng của việc cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế đến Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Đức Trí - Viện trưởng Viện Du lịch, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là chủ trương mang tính đột phá trong quá trình thúc đẩy, phát triển ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Khi ứng dụng thị thực điện tử, dữ liệu thông tin của du khách nhập cảnh vào Việt Nam được lưu vào hệ thống lưu trữ điện tử.
Từ nguồn dữ liệu này, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách du lịch sẽ có những con số cụ thể, được cập nhật liên tục trong từng thời điểm du khách của các quốc gia đến Việt Nam. Nhờ vậy, sẽ thuận lợi cho quá trình nghiên cứu thị trường cũng như nắm bắt được thị hiếu du lịch của du khách nước ngoài; công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch cũng sẽ trở nên càng hiệu quả, thiết thực hơn.
Mặt khác, căn cứ trên cơ sở dữ liệu này, các trường cao đẳng, đại học đào tạo chuyên ngành du lịch trong sẽ có những kế hoạch để thu hút sinh viên nước ngoài đến học cũng như đào tạo sinh viên Việt Nam đáp ứng với nhu cầu thực tế của du khách.
Ngày 25/1, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ – CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Thị thực điện tử sẽ được áp dụng cho công dân của các nước có hộ chiếu hợp lệ, muốn đến Việt Nam với mục đích du lịch, tìm kiếm đối tác kinh tế,..
Kể từ ngày 1/2, Việt Nam chính thức thí điểm việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đến Việt Nam trong 2 năm. Người đăng ký không cần có mặt trực tiếp; không yêu cầu có cơ quan bảo lãnh; Thời gian xem xét chỉ mất 3 ngày; Thời hạn visa 30 ngày và chỉ cần thanh toán phí qua mạng…Qua đó, tiết kiệm được thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam./.