Các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Toyota, Sony, NTT…sẽ cùng thành lập một công ty mới mang tên “Rapidus” nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản.
Công ty mới do các tập đoàn lớn của Nhật Bản thành lập sẽ có sự tham gia của các trường đại học lớn của Nhật Bản là Đại học Tokyo, Đại học Công nghiệp Tokyo…, mục tiêu nghiên cứu phát triển linh kiện bán dẫn có kích thước dưới 2 nanomet cần thiết cho các lĩnh vực xe tự hành, thành phố thông minh (Smart City).
Dự kiến quá trình sản xuất, thương mại hóa sẽ bắt đầu từ năm 2027. Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét cung cấp khoản hỗ trợ khoảng 70 tỷ yen (493,36 triệu USD) nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển của công ty mới này.
Ngành công nghiệp của Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn ở nước ngoài do kỹ thuật sản xuất chất bán dẫn của các công ty Nhật Bản lạc hậu hơn so với công ty của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc).
[IBM đầu tư 20 tỷ USD phát triển công nghệ cao và sản xuất chất bán dẫn]
Để phát triển được ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa, Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển kỹ thuật.
Ông Akira Minamikawa, Giám đốc công ty Omdia của Anh, cho rằng tại Nhật Bản chưa có nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển linh kiện bán dẫn, do đó đào tạo nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết. Để làm được điều này, các công ty Nhật Bản cần hợp tác với các công ty nước ngoài để học hỏi kiến thức, công nghệ.
Thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nội địa là một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ Nhật Bản. Tháng 6/2021, chính phủ Nhật Bản đã công bố Chiến lược chất bán dẫn, với ba trọng tâm là khôi phục phát triển chất bán dẫn logic, tăng cường mạng lưới cung ứng bộ nhớ, cảm biến…, cải tiến, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực vật liệu, thiết bị sản xuất vốn là thế mạnh của Nhật Bản./.