Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đón làn sóng rót tiền đầu tư

Một báo cáo dẫn nguồn từ Google, Temasek và Bain & Company cho hay nền kinh tế Internet của Đông Nam Á, dẫn dầu là Indonesia, được dự báo sẽ tăng gấp hai lần lên 363 tỷ USD vào năm 2025.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang được tận hưởng làn sóng rót tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và mua lại.

Những quỹ này đang muốn tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn và mất dần sự quan tâm tới thị trường Trung Quốc do các quy định mới tại đây và nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm hơn.

Các công ty như công ty đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners của Singapore và công ty đầu tư mạo hiểm East Ventures do SoftBank hậu thuẫn nằm trong số những công ty đã huy động được tổng cộng hàng tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp trong năm qua khi 650 triệu người trong khu vực Đông Nam Á sử dụng các nền tảng kỹ thuật số.

Ông Vishal Harnal, một đối tác quản lý tại quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Global, với tài sản trị giá 2,8 tỷ USD, cho biết một số tổ chức lớn nhất thế giới đang đưa ra các chiến lược để đầu tư và triển khai rót vốn vào các khu vực như Đông Nam Á, nơi mà sáu đến bảy năm trước đây thậm chí không có khả năng thu hút các ngân phiếu có quy mô đủ lớn.

Một báo cáo dẫn nguồn từ Google, Temasek và Bain & Company cho hay nền kinh tế Internet của Đông Nam Á, dẫn dầu là Indonesia, được dự báo sẽ tăng gấp hai lần lên 363 tỷ USD vào năm 2025 so với mức 174 tỷ USD vào cuối năm 2021.

[Công ty khởi nghiệp về xe điện của Trung Quốc giành thị phần ở châu Âu]

Công ty gọi xe và giao đồ ăn Grab Holdings đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) hồi tháng 12/2021, sau thương vụ sáp nhập trị giá 40 tỷ USD, trong khi GoTo đã huy động được 1,1 tỷ USD nhờ việc niêm yết tại thị trường nội địa trong năm nay.

Trong tháng này, tập đoàn dịch vụ tài chính kỹ thuật số Fazz đã huy động được 100 triệu USD và Xendit của Indonesia, công ty tự nhận mình là công ty thay thế cho công ty xử lý thanh toán Stripe của Đông Nam Á, đã thông báo huy động được 300 triệu USD trong tháng 5/2022.

Các nhà đầu tư cho biết dù quá trình thẩm định các công ty khởi nghiệp mất nhiều tháng và việc định giá chịu nhiều áp lực, song sự quan tâm vẫn lớn.

Việc khu vực Đông Nam Á được hưởng lợi chủ yếu do Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa phòng dịch cùng các quy định mới ở đại lục và Hong Kong.

Tang Kok-Yew, Chủ tịch sáng lập của Affinity Equity Partners, cho biết không phải họ không tin vào Trung Quốc, mà chỉ là họ đang giảm mức độ tiếp xúc. Vậy các nhà đầu tư có thể đi đâu? Một khu vực mà ông nhận thấy rất được mọi người quan tâm đó là Đông Nam Á. Thế nhưng, đây cũng là thị trường khó thâm nhập nhất.

Các nhà đầu tư cũng bày tỏ việc sử dụng chiến lược đầu tư đồng nhất trong khu vực này là không lý tưởng bởi các thị trường khác nhau rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục