Các công ty hàng đầu thế giới bị cáo buộc thực hiện chiến thuật "tẩy xanh"

Corporate Accountability cho biết Disney, Volkswagen, Air France nằm trong số các công ty công bố đầu tư lớn nhằm giảm lượng khí thải nhưng có vẻ là những khoản tín dụng carbon không thực tế.

Biểu tượng của hãng sản xuất ôtô Volkswagen bên ngoài cửa hàng bán ôtô ở Woodbridge, bang Virginia, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Biểu tượng của hãng sản xuất ôtô Volkswagen bên ngoài cửa hàng bán ôtô ở Woodbridge, bang Virginia, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/5, Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability đã đưa ra cảnh báo rằng các công ty hàng đầu thế giới, từ các "ông lớn" về dầu khí đến lĩnh vực ngân hàng và công nghệ dường như đang thực hiện chiến thuật "tẩy xanh" bằng các khoản đầu tư không thực tế vào các dự án nhằm giảm khí thải carbon.

Theo phân tích của Corporate Accountability, những doanh nghiệp như Disney, Volkswagen, Air France nằm trong số những công ty công bố những khoản đầu tư lớn nhằm giảm lượng khí thải của họ nhưng dường như chỉ là những khoản tín dụng carbon không thực tế.

Giám đốc chính sách và nghiên cứu môi trường của Corporate Accountability, bà Rachel Rose Jackson cho rằng xu hướng này rất đáng lo ngại.

Theo bà, việc các doanh nghiệp tuyên bố những khoản tín dụng carbon lớn có thể chỉ là động thái "tẩy xanh" hoặc hoạt động không thực tế nhằm thu hút sự chú ý đối với các chính sách thân thiện với môi trường.

Theo phát hiện mới dựa trên phân tích do Corporate Accountability phối hợp với tờ Guardian thực hiện vào mùa Thu năm ngoái cho thấy 39 trong số 50 dự án bù đắp carbon lớn nhất có thể không có thật.

Trong khi đó, theo AlliedOffsets, tính đến ngày 31/12/2023, con số này tăng lên 42/50 dự án. Đáng chú ý là các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ có ngành nhiên liệu hóa thạch.

Theo bà Jackson, 30 tập đoàn lớn, trong đó có Shell, Nestle và Boeing, đã tuyên bố mua những khoản tín dụng carbon lớn nhưng không thực tế.

Trên giấy tờ, thị trường carbon tự nguyện (VCM) cho phép các doanh nghiệp giảm khí thải bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính, ví dụ như các dự án tái trồng rừng hoặc thay thế các loại bếp gây ô nhiễm ở các nước đang phát triển.

Lĩnh vực này hiện trị giá khoảng 2 tỷ USD mỗi năm nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu làm dấy lên mối lo ngại rằng những tuyên bố về giảm phát thải theo chương trình này thường bị phóng đại quá mức hoặc không thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục