Các công ty Đức sẽ nhận sinh viên Việt đến thực tập

Theo Tuyên bố hợp tác giáo dục, đào tạo Việt-Đức, các công ty của Đức ở Việt Nam sẽ tiếp nhận sinh viên Việt Nam đến thực tập.

Ngày 18/3, lễ ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Hợp tác phát triển – Cộng hòa Liên bang Đức đã diễn ra tại Hà Nội.

Tới dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Ngọc Phi và Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Jutta Frasch đã thay mặt các cơ quan Ký Tuyên bố hợp tác.

Tuyên bố hợp tác này là mô hình đầu tiên thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp ở cấp Bộ và Nhà nước. Các tổ chức gồm Tổ chức hợp tác quốc tế Đức – GIZ, Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, phái đoàn Công nghiệp và Thương mại của Đức tại Việt Nam cùng Đại sứ quán Đức tại Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục-đào tạo của Việt Nam trong công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể, công ty của Đức hoạt động tại Việt Nam sẽ xem xét tiếp nhận học viên, sinh viên đến thực tập; các chuyên gia, cán bộ chuyên môn tham gia trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, tham gia xây dựng tiêu chuẩn cho các ngành nghề; hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên. Phía Đức sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu lao động của các công ty để các nhà trường chủ động lập kế hoạch đào tạo sát hợp. Các bên phối hợp xây dựng một số dự án để phát triển nguồn nhân lực. Sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thực tế nghề nghiệp và thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp khi học sinh tốt nghiệp.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay là tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đã tăng liên tục từ 16% (năm 2000) lên 26,2% (năm 2005) và 40% (năm 2010) nhưng việc nâng trình độ và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc thực tế vẫn cần được tiếp tục cải thiện và nâng cao.

Một trong những lý do hạn chế nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động là sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo còn chưa chặt chẽ, cơ hội tiếp cận công việc thực tế và đáp ứng đòi hỏi của nhà tuyển dụng của sinh viên chưa nhiều. Tuyên bô hợp tác giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo Việt Nam và các công ty CHLB Đức ký kết này sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên./.

Ngọc Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục