Các công ty dầu khí dành chưa đến 1% đầu tư vào năng lượng xanh

Bên cạnh các nguồn năng lượng sạch, điều quan trọng là các công ty cần tăng đầu tư vào các nhiên liệu sinh học tiên tiến, ít phát thải khí CO2, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của thế giới.
Tuabin gió tại Biển Baltic, miền Bắc nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuabin gió tại Biển Baltic, miền Bắc nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp việc các tập đoàn dầu khí lớn đang nỗ lực hướng đến việc phát triển năng lượng "xanh," số tiền đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng đầu tư của toàn ngành.

Theo báo cáo được công bố ngày 20/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết có rất ít dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong các khoản đầu tư của các công ty dầu khí.

Cho tới nay, số tiền mà các công ty dầu khí mới "rót" vào các lĩnh vực ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ chiếm chưa tới 1% trong tổng số tiền đầu tư. Trong đó, các công ty dầu khí hàng đầu dành khoảng 5% trong tổng số tiền đầu tư cho các dự án năng lượng sạch như năng lượng Mặt Trời và điện gió.

IEA nhấn mạnh một sự thay đổi lớn trong việc phân bổ nguồn vôn là cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển đổi hướng tới năng lượng "xanh."

[Năm xu thế sử dụng năng lượng tác động đến tương lai khí hậu]

Cũng theo báo cáo, ngành dầu khí "có thể làm nhiều hơn nữa để đối phó với mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu." Cơ quan này cho rằng bên cạnh các nguồn năng lượng sạch, điều quan trọng là các công ty cần tăng cường đầu tư vào các nhiên liệu sinh học tiên tiến, ít phát thải khí CO2, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của thế giới.

Báo cáo đồng thời nhấn mạnh sự cam kết của các công ty dầu khí trong việc cung cấp nhiên liệu sạch cho người tiêu dùng trên thế giới có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Báo cáo của IEA được công bố trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp khi các chuyên gia ngày càng lo ngại mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hướng tới khó có thể đạt được.

Tình trạng Trái Đất nóng lên đã dẫn tới những đợt hạn, hán khắc nghiệt kéo dài, những trận siêu bão, lũ lụt và cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục