Ngày 12/7, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) cho biết gần 140 quốc gia đã có bước đi đầu tiên hướng tới việc đạt một thỏa thuận về phân chia công bằng hơn khoản thu nhập từ thuế của các công ty đa quốc gia.
Sau hai ngày thảo luận do OECD chủ trì tại Paris (Pháp), khoảng 138 quốc gia, chiếm hơn 90% sản lượng kinh tế toàn cầu, đã nhất trí dự thảo đầu tiên của thỏa thuận đa quốc gia về cách thức đánh thuế các công ty đa quốc gia có hoạt động trên khắp thế giới.
Các công ty đa quốc gia, đặc biệt là công ty công nghệ, hiện có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận từ một nước sang nước khác có thuế suất thấp hơn, dù họ chỉ tiến hành một phần nhỏ hoạt động của mình tại đây.
Năm 2021, các cuộc thảo luận do OECD đứng đầu đã đạt thỏa thuận về mức đánh thuế tối thiểu 15% và nghiên cứu các quy định về việc đánh thuế các công ty đa quốc gia như thế nào để các nước không thiệt vì hoạt động chuyển lợi nhuận này.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về một công thức đánh thuế các công ty đa quốc gia đang diễn ra chậm chạp.
[30 nước đồng ý trì hoãn thực hiện chính sách thuế kỹ thuật số]
OECD cho biết tiến bộ đạt được trong tuần này cho phép hướng đến “việc cải cách cơ chế đánh thuế quốc tế quy mô lớn và mang tính lịch sử.”
Trước đó cùng ngày, các nước cũng đã cam kết tạm thời ngừng áp thuế dịch vụ kỹ thuật số trước tháng 12/2024. Loại thuế này đã được thỏa thuận năm 2021 và dự kiến được thực thi từ đầu năm 2024.
Theo ước tính của OECD, việc áp dụng một mức thuế suất tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia sẽ giúp bổ sung 220 tỷ USD vào ngân sách quốc gia.
Tổng thư ký OECD, ông Mathias Cormann cho biết các cải cách này “sẽ tạo sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế, giúp hệ thống này công bằng hơn và vận hành tốt hơn trong một thế giới ngày càng số hóa và toàn cầu hóa.”./.