Các công ty của Nhật Bản nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Các công ty Nhật Bản đang tìm cách giảm dần, không sử dụng nhựa, hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm của họ, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Seven & I Holdings Co. thông báo chuỗi cửa hàng tiện lợi của tập đoàn này sẽ bắt đầu dừng sử dụng túi nylon vào năm 2030. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Các công ty Nhật Bản, nhất là các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm, đang tìm cách giảm dần, không sử dụng nhựa, hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm của họ, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Công ty sản xuất đồ uống Suntory Holdings Ltd. đã lên kế hoạch sử dụng nhựa tái chế hoặc các chất tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật để sản xuất tất cả các chai nhựa vào năm 2030, trong khi Kirin Beverage Co. - một đối thủ cạnh tranh của Suntory - dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chai nhựa từ nhựa tái chế cho một số sản phẩm của mình kể từ giữa tháng 6/2019.

Trước đó, năm 2018, Asahi Soft Drinks Co. đã bắt đầu bán chai nước và trà mà không có nhãn mác bằng nhựa trên mạng Internet hoặc giao trực tiếp cho khách hàng.

Ito En Ltd. đã bắt đầu sử dụng các chai nhựa 2 lít có trọng lượng nhẹ hơn 30% so với các phiên bản trước đó để đựng trà barley kể từ tháng 2/2019.

[Những hình ảnh đáng sợ về rác thải nhựa trên khắp thế giới]

Trong lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn Seven & I Holdings Co. thông báo chuỗi cửa hàng tiện lợi của tập đoàn này sẽ bắt đầu dừng sử dụng túi nylon vào năm 2030.

FamilyMart Co. đã sử dụng các chất tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật và có thể phân hủy thay thế cho hộp nhựa để đựng một số sản phẩm như salad kể từ tháng 4/2007.

Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng ở Nhật Bản cũng đang tìm cách giảm sử dụng các sản phẩm nhựa. Chuỗi cửa hàng nhượng quyền Gusto của Skylark Holdings Co. và chuỗi cửa hàng thực phẩm Nhật Bản thuộc sở hữu của Ootoya Holdings Co. đã ngừng cung cấp ống hút bằng nhựa cho khách hàng.

Riêng chuỗi cửa hàng của Ootoya Holdings Co. còn thay thế que khuấy nhựa bằng các sản phẩm làm từ gỗ.

Nhật Bản đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 25% rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm cả vật liệu được sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng và phụ tùng ôtô.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Môi trường Nhật Bản đang xem xét ban hành lệnh cấm các siêu thị và cửa hàng cung cấp túi nylon miễn phí cho người mua hàng nhằm giảm rác thải nhựa.

Người mua hàng sẽ phải mua túi nylon, với mức phí do các doanh nghiệp tự quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục