Các công ty công nghệ làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán toàn cầu

Tại Bắc Hà Lan, người dân rất phẫn nộ khi một tờ báo địa phương đưa tin tổ hợp trung tâm dữ liệu của Microsoft tại đây tiêu thụ lượng nước nhiều gấp 4 lần so với công bố trước đó.
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Việc các công ty công nghệ khổng lồ chạy đua xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn với hệ thống máy tính siêu tốc cần một lượng nước khổng lồ để làm mát các linh kiện điện tử, giúp các hệ thống này vận hành trơn tru. Nhu cầu lớn về nước này khiến tình trạng hạn hán toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Trong hơn một năm qua, Tây Ban Nha đã phải vật lộn với hạn hán. Khu vực trung tâm của vùng Castilla La Mancha, nơi sản xuất 1/4 tổng sản lượng ngũ cốc của Tây Ban Nha, dự kiến mất 80%-90% sản lượng thu hoạch do thiếu nước.

Tuy nhiên, tại Talavera de la Reina, một thành phố nhỏ nằm giữa những cánh đồng lúa mì, công ty Meta dự kiến xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá 1,1 tỷ USD, sử dụng 665 triệu lít nước/năm để làm mát máy chủ.

Trên thực tế, các nhà khai thác dữ liệu internet như Amazon, Google, Meta và Microsoft cần rất nhiều nước để làm mát các máy chủ nhằm tránh xảy ra các lỗi kỹ thuật.

Trong bối cảnh hạn hán gia tăng, xung đột bắt đầu nổ ra giữa các nhà điều hành trung tâm điện toán đám mây và các cộng đồng địa phương về nguồn nước như ở Chile, Uruguay và một số vùng phía Tây Nam nước Mỹ.

Tại Bắc Hà Lan, người dân rất phẫn nộ khi một tờ báo địa phương đưa tin tổ hợp trung tâm dữ liệu của Microsoft tại đây tiêu thụ lượng nước nhiều gấp 4 lần so với công bố trước đó.

Các trung tâm dữ liệu chịu sự giám sát chặt chẽ về việc sử dụng điện, nhưng tiêu thụ nước ít được công khai. Một cuộc khảo sát được công ty tư vấn Uptime Institute thực hiện năm ngoái cho thấy chỉ 39% các trung tâm dữ liệu theo dõi việc sử dụng nước của họ. Các công ty công nghệ từ chối tiết lộ thông tin về mức tiêu thụ điện và nước ở từng trụ sở với lý do bảo vệ bí mật thương mại.

[Hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực toàn cầu]

Trong vài năm qua, các công ty Google,Meta và Microsoft đã bắt đầu công bố tổng lượng nước sử dụng trong các hoạt động của họ nhưng không đưa ra con số cụ thể ở mỗi trụ sở cũng như không sử dụng các số liệu tiêu chuẩn hóa.

Tổ chức nghiên cứu Bluefield Research ước tính các trung tâm dữ liệu sử dụng hơn một tỷ lít nước mỗi ngày, bao gồm cả nước được sử dụng sản xuất năng lượng.

Cuộc chạy đua xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn phục vụ cho trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh cần đến bộ xử lý máy tính mạnh hơn và cũng cần nhiều nước để làm mát hơn.

Kỹ sư điện và máy tính Shaolei Ren của Đại học California ước tính việc đào tạo ChatGPT-3 tại các trung tâm dữ liệu của Microsoft tại Mỹ đã tiêu thụ trực tiếp 700.000 lít nước/tháng, không gồm nước sử dụng cho phát điện. Trung bình mỗi cuộc trò chuyện ngắn từ 20 - 50 câu hỏi và câu trả lời với ChatGPT tiêu tốn khoảng nửa lít nước làm mát.

Các công ty Amazon, Google và Microsoft đều cam kết sử dụng nhiều hơn nước tái sinh và bù lại nhiều hơn lượng nước đã tiêu thụ vào năm 2030. Điều này giống như trồng thêm cây để điều hòa không khí.

Tuy nhiên, cam kết trên chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ và có thể không mang lại lợi ích cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các trung tâm dữ liệu, do nước chỉ có thể bù lại ở những nơi có nguồn nước dồi dào.

Người phát ngôn của Tu Nube Seca Mi Río - một tổ chức bảo vệ nguồn nước ở Tây Ban Nhà - Aurora Gómez thể hiện sự hoài nghi đối với các cam kết của các công ty công nghệ về tái tạo nguồn nước. Cô cho rằng các cam kết chỉ nhằm mục tiêu làm vừa lòng công chúng và xoa dịu các nhóm hoạt động môi trường địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục