Các công ty châu Âu lo ngại hậu quả của việc trừng phạt Nga

Các công ty năng lượng châu Âu lo ngại hậu quả của các biện pháp trừng phạt Nga sẽ tác động lớn đến phần lãnh thổ từ Trung Quốc đến Tây Âu.
Các công ty châu Âu lo ngại hậu quả của việc trừng phạt Nga ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc-2 tại vịnh Portovaya, tây bắc nước Nga. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhật báo Handelsblastt của Đức số ra ngày 19/7 đưa tin giới lãnh đạo các công ty năng lượng châu Âu cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà Mỹ đưa ra liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc-2 có thể tác động tiêu cực đến châu Âu.

Giám đốc điều hành công ty Nord Stream 2 AG, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc-2, ông Matthias Warnig nhấn mạnh hậu quả của các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ rất "to lớn" và ảnh hưởng đến phần lãnh thổ từ Trung Quốc đến Tây Âu.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dầu mỏ OMV của Áo, ông Rainer Seele cho rằng châu Âu đang cần tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chứ không phải giảm đi.

Theo ông, vì lợi ích của châu Âu là chủ động đảm bảo ổn định nguồn cung khí đốt, do đó việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga là cần thiết trong bối cảnh hoạt động khai thác khí đốt ở châu Âu đang giảm.

[Mỹ muốn ép EU bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga]

Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc-2 cần được khởi công từ năm 2018 và kết thúc vào cuối năm sau đó. Dự kiến, đường ống dẫn khí này sẽ dài 1.220km chạy xuyên qua đáy biển Baltic từ Nga đến Đức.

Trong khi đó, tại Mỹ, hơn một nửa người dân nước này không tán thành chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Nga, cho rằng chính sách đó "không thỏa đáng."

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình Fox News của Mỹ tiến hành và công bố ngày 19/7, 56% số người được hỏi cho biết họ không hài lòng với quyết sách của chính quyền Mỹ hiện nay trong quan hệ với Nga, cao hơn nhiều so với tỷ lệ ủng hộ (33%). Tỷ lệ còn lại là số người không thể hoặc từ chối đưa ra ý kiến.

Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga với cáo buộc Moskva liên quan đến tình hình khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi năm 2014.

Hàng loạt ngân hàng và công ty Nga, cũng như nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt trên của Mỹ. Các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ.

Cuối tháng 12/2016, chính quyền Washington tiếp tục thông qua một gói biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc “can thiệp bầu cử” và “gây áp lực lên các nhà ngoại giao” Mỹ đang làm việc tại Nga.

Trong số các biện pháp trừng phạt có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch biên một số tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Chính quyền Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Mỹ, đồng thời cũng áp đặt các biện pháp đáp trả thích đáng.

Phát biểu trên kênh truyền hình Russia 1 của Nga ngày 19/7, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov nhận định Mỹ sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ trừng phạt áp đặt lên Nga ngay cả khi Moskva đáp ứng tất cả những điều kiện của phương Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục