Tính đến thời điểm này, các công ty bảo hiểm có thể sẽ phải chi trả số tiền bồi thường thiệt hại tài sản sau các vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra từ tháng trước ở bang California, miền Tây nước Mỹ, lên tới hơn 3,3 tỷ USD, tăng hơn gấp ba lần so với ước tính.
Trong báo cáo công bố ngày 31/10, Hiệp hội Các nhà bảo hiểm thiệt hại tài sản của Mỹ cho biết đây là số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ mua bảo hiểm của 15 công ty bảo hiểm Mỹ.
Con số này sẽ còn gia tăng do hiện vẫn có nhiều công ty và cá nhân gửi đơn yêu cầu bồi thường. Cụ thể, hơn 10.000 đơn yêu cầu bồi thường do thiệt hại về nhà ở, 3.200 đơn đề nghị bồi thường thiệt hại về phương tiện đi lại cá nhân, khoảng 700 yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản của doanh nghiệp. Số còn lại là bồi thường về trang thiết bị nông nghiệp, tàu thuyền, phương tiện chở hàng...
Dự tính, thảm họa cháy rừng mới nhất này sẽ "soán ngôi" của vụ cháy rừng ở Đồi Oakland năm 1991, được coi là gây thiệt hại lớn nhất tại California từ thời điểm đó tới nay với mức thiệt hại 2,7 tỷ USD.
[Thiệt hại kinh tế do thiên tai có thể chiếm 50% tăng trưởng GDP của Mỹ]
Ngoài thiệt hại về tài sản, đợt cháy rừng mới đây ở California cũng đã cướp đi sinh mạng của 43 người, thiêu trụi hàng nghìn tòa nhà và buộc hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Thảm họa cháy rừng này khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong lịch sử các vụ cháy rừng ở bang California.
Trước đó, Thống đốc bang California, ông Jerry Brown cho biết chính quyền liên bang đã quyết định hỗ trợ trực tiếp gia đình các nạn nhân và bổ sung nguồn quỹ cứu trợ khẩn cấp tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt cháy rừng này như Sonoma và Napa.
Lịch sử cháy rừng tại California từng ghi nhận hai thảm họa cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng nhất là thảm họa cháy rừng ở công viên Griffith năm 1933 khiến ít nhất 29 người thiệt mạng, và thảm họa cháy rừng ở khu vực Đồi Oakland năm 1991, cướp đi sinh mạng của 25 người./.