Theo giới quan sát, việc ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19 đang tăng tốc và hứa hẹn mang tới nhiều điều thú vị hơn so với dự kiến.
Công nghệ du lịch hiện không chỉ bao gồm các nền tảng giúp du khách đặt vé hay nơi nghỉ tại một địa điểm nào đó - chúng còn giúp lập kế hoạch hành trình, cải thiện khả năng đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và quan trọng nhất là ít tiếp xúc cho du khách.
Nói cách khác, giai đoạn đại dịch hoành hành khiến mọi người mắc kẹt trong nhà đã thúc đẩy ngành du lịch ứng dụng các công nghệ theo cách mới.
Không còn nỗi lo về rào cản ngôn ngữ
Khi Google triển khai dịch vụ Google Dịch (Google Translate) cho phép người dùng quét hình ảnh biển báo hoặc menu và dịch theo thời gian thực sang ngôn ngữ mong muốn, hoạt động du lịch quốc tế đã có một bước ngoặt mới.
Nhờ công cụ trên, giờ đây ngôn ngữ dường như không còn là rào cản đối với du khách.
Trong một số trường hợp, công cụ dịch này còn giúp người dùng tìm hiểu sâu hơn nền văn hóa của quốc gia họ đang du lịch.
[Chatbot - bạn đồng hành "ảo" đáng tin cậy cho nhiều du khách]
Công cụ của Google này đã tạo điều kiện để nhiều nền tảng khác nhau với khả năng tương tự ra đời.
Hiện người dùng có thể lựa chọn Microsoft Translator và Papago thay cho Google Translate, với mỗi ứng dụng có khả năng xử lý một số ngôn ngữ cụ thể tốt hơn.
Như với Papago, công cụ này dịch tốt tiếng Hàn và các ngôn ngữ châu Á khác so với Google Translate - vốn có khả năng xử lý tiếng Hindi, Tagalog và Indonesia tốt hơn nhiều, bên cạnh một số ngôn ngữ thường dùng khác ở châu Âu.
Thực tế tăng cường (AR), Thực tế ảo (VR) và Metaverse
Khi Giám đốc điều hành (CEO) Meta Mark Zuckerberg công bố về tham vọng phát triển vũ trụ ảo Metaverse, ông cho hay mục đích của mình là "mang thế giới xích lại gần nhau hơn bao giờ hết."
Theo ông Zuckerberg, trên Metaverse, bất kỳ ai sở hữu một cặp tai nghe VR đều có thể tiến vào thế giới họ lựa chọn và tương tác với người khác dù hai bên cách nhau tới nửa vòng Trái Đất.
Với sự phát triển và phổ biến của công nghệ AR và VR, việc chuẩn bị cho việc di chuyển trong các chuyến du lịch như hiện tại sẽ dần trở nên lỗi thời.
Thay vì lo lắng về việc đưa đón tại sân bay, hay liệu có thuyền chở họ đến hòn đảo mong muốn vào giữa mùa biển động hay không, du khách hoàn toàn không cần lo lắng về thời tiết: trong khi tâm trí của họ đang du hành, cơ thể của họ sẽ ở ngay tại nhà với bộ nghe nhìn VR.
Tất nhiên, vẫn sẽ có những người thích đến trực tiếp điểm du lịch để tận hưởng chuyến đi. Nhưng họ chắc chắn sẽ không từ chối tham gia các chuyến tham quan "ảo" để trải nghiệm và lựa chọn địa điểm ưa thích, hoặc để chọn đúng khách sạn theo nhu cầu.
Robot sẽ thay người phục vụ?
Việc ứng dụng robot vào du lịch cũng dần trở nên phổ biến hơn, với các địa điểm nghỉ dưỡng và khách sạn có thể sẽ đưa robot vào phục vụ khách du lịch trong tương lai như một phần của xu hướng ít tiếp xúc hoặc hoàn toàn không tiếp xúc hậu đại dịch.
Khi đó, sẽ không có nhân viên phục vụ trực tiếp để du khách trao đổi hay đưa ra yêu cầu cụ thể. Khách sẽ đặt món hay đưa ra các yêu cầu thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại và robot sẽ mang đồ đến tận nơi.
Như tại Bulgaria, BW Hotel đã đưa vào sử dụng robot hầu phòng có tên "Roomy" có thể vận chuyển đồ ăn, phục vụ đồ uống cùng các đồ dùng khác tới phòng của khách.
Tương tự, các khách sạn có thể triển khai robot vận chuyển hành lý, robot dọn phòng, thậm chí là robot trợ giúp đặc biệt cho các khách hàng có nhu cầu.
Với robot đứng bếp, thời gian nấu nướng cũng sẽ được rút ngắn xuống chính xác từng giây vì robot khó có thể để phát sinh sai sót như con người.
Thậm chí, nhiều nơi còn thể đưa vào sử dụng các robot soi quét hành lý và hành khách, để kiểm tra liệu du khách có mang vật gây sát thương hoặc cất giấu những vật phẩm bất hợp pháp khác hay không.
Trong một thế giới ứng dụng ngày một nhiều máy móc có độ chính xác cao, hoạt động du lịch sẽ an toàn và thú vị hơn khi các robot đảm nhận nhiều vai trò giúp tạo nên trải nghiệm liền mạch và thân thiện hơn với du khách.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt: Tạm biệt visa?
Thị thực (visa) là một loại giấy tờ quá quen thuộc với các du khách thường xuyên di chuyển xuyên biên giới.
Theo tổ chức xếp hạng sức mạnh hộ chiếu Passport Index, các quốc gia có những hạn chế về thị thực (visa) nhằm kiểm tra và kiểm soát lượng du khách ra vào quốc gia, đồng thời ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và các hoạt động tội phạm khác.
Việc xin visa có thể làm tốn không ít thời gian và tiền bạc của du khách. Nhưng với công nghệ nhận diện khuôn mặt, tất cả hồ sơ và thông tin cá nhân của một người được gắn liền với gương mặt của họ.
Du khách sẽ không cần bất kỳ hình thức xác thực nào của bên thứ ba rằng họ đến quốc gia sở tại để nghỉ dưỡng hay làm việc.
Mọi thông tin sẽ được liên kết và tải lên một hệ thống điều phối chung với mức độ bảo mật cao.
Như tại Mỹ, Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) nước này đã triển khai Quy trình Biometric Exit để hạn chế hoạt động nhập cư bất hợp pháp.
CBP sẽ thu thập ảnh chụp khuôn mặt của tất cả những người muốn đến hoặc rời khỏi nước Mỹ, so sánh chúng với hình ảnh trong hộ chiếu, thị thực hay bất cứ giấy tờ liên quan khác để xác định mục đích, ý định của chuyến đi cũng như khả năng du khách được chấp nhận xuất-nhập cảnh.
Với những công nghệ tràn đầy hứa hẹn trên, ngành du lịch toàn cầu trong tương lai chắc chắn sẽ rất khác biệt và thú vị dù một số công nghệ vẫn cần thời gian để trở nên phổ biến hơn./.