Tối 28/10, nhiều hoạt động đã được tiến hành trên khắp nước Mỹ để tưởng niệm 11 nạn nhân trong vụ xả súng tại giáo đường Tree of Life ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania.
Khoảng 2.500 người thuộc nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau đã cùng cầu nguyện tại khán phòng lớn của Bảo tàng Pittsburgh với những khúc ca cầu an do dàn đồng ca người Mỹ gốc Phi thể hiện.
Bất chấp mưa lớn, hàng trăm người vẫn xếp hàng dài bên ngoài bảo tàng này để chờ cơ hội được vào trong khán phòng.
Phát biểu tại sự kiện, Thị trưởng Pittsburgh, ông Bill Peduto khẳng định lịch sử thành phố đã "trải qua những giờ phút đen tối nhất, nhưng cũng cho thấy một Pittsburgh hoàn toàn khác." Đó là một thành phố của tình đoàn kết và bằng tình yêu, sự gắn kết, người dân sẽ đánh bại sự thù hằn, nghi kỵ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/10 cho biết ông sẽ tới thành phố Pittsburgh, đồng thời gọi vụ xả súng nói trên là "vụ tấn công bài Do Thái hiểm ác" và là "vụ tấn công nhằm vào nhân loại."
Ông đã yêu cầu toàn bộ trụ sở cơ quan công quyền như Nhà Trắng, cơ sở quân sự, trạm hải quân và các tàu phải treo cờ rủ đến hết ngày 31/10 để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ xả súng.
Hai tổ chức Hồi giáo phi lợi nhuận tại Mỹ là CelebrateMercy và MPower Change đã phát động chiến dịch quyên góp tài chính ủng hộ các nạn nhân trong vụ tấn công trên.
Chiến dịch quyên góp mang tên LaunchGood được tiến hành theo cả hai cách trực tuyến và trực tiếp hiện đã nhận được khoản tiền ủng hộ lên tới hơn 80.000 USD.
Theo ban tổ chức, khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ gia đình các nạn nhân trang trải chi phí tang lễ và điều trị y tế, đồng thời nhằm mục đích "gửi gắm thông điệp đoàn kết, không hằn thù" giữa hai cộng đồng người Hồi giáo và Do Thái tại Mỹ.
[Infographics] Vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào người Do Thái tại Mỹ
Không chỉ tại Pittsburgh, nhiều hoạt động tương tự được tổ chức trên khắp nước Mỹ cầu siêu cho những nạn nhân xấu số. Những thông điệp chia sẻ yêu thương được gửi đi không chỉ trong trong cộng đồng người Do Thái ở Mỹ - cộng đồng người Do Thái lớn nhất thế giới ngoài Israel - mà còn từ Giáo hoàng Francis và lãnh đạo các nước trên thế giới.
Phát biểu trước giáo dân ở Quảng trường St Peter, Giáo hoàng Francis cho biết: "Trên thực tế, tất cả chúng ta đều bị tổn thương vì hành động bạo lực vô nhân tính này", đồng thời kêu gọi "tôn trọng các giá trị đạo đức" trên toàn thế giới.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cũng đồng loạt lên án vụ tấn công. Tại nước Pháp, tháp Eiffel cũng đã tắt đèn trong tối 28/10 để bày tỏ sự chia buồn với người dân Mỹ.
Cùng ngày, Liên đoàn Thế giới Hồi giáo (MWL) đã lên án vụ tấn công bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đấu tranh chống lại nạn bài Do Thái sau vụ việc trên.
Vụ xả súng tại giáo đường Do Thái Tree of Life xảy ra sáng 27/10 (giờ Mỹ) và kéo dài khoảng 20 phút, khiến 11 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào người Do Thái trong lịch sử cận đại của nước Mỹ.
Theo các cơ quan chức năng của Mỹ, thủ phạm vụ nổ súng là Robert Bowers, một người đàn ông 46 tuổi. Đối tượng này đã hét lớn "Tất cả người Do Thái phải chết" khi tiến hành vụ nổ súng. Đối tượng này đã đầu hàng và bị bắt giữ sau khi nổ súng vào cảnh sát.
Các công tố viên liên bang Mỹ đã cáo buộc Bowers 29 tội danh về bạo lực và sử dụng súng ngắn. Toàn bộ các tội danh bạo lực đều dựa trên luật dân sự liên bang cấm các tội ác thù hằn. Với các tội danh này, đối tượng này có thể sẽ lĩnh án tử hình.
Trước khi vụ việc xảy ra, đối tượng này đã có nhiều bài đăng chống lại người Do Thái. Thủ phạm còn lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã "nhắm mắt làm ngơ" để người Do Thái "phá hoại" nước Mỹ. Bowers sẽ phải trình diện trước tòa án sơ thẩm trong ngày 29/10.
Vụ xả súng mới nhất này lại làm nóng lên cuộc tranh luận trong dự luận và chính giới Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn. Thị trưởng Peduto cho rằng siết chặt kiểm soát súng đạn, không cho phép những phần tử "có vấn đề" như Bowers được phép tiếp cận và sở hữu vũ khí nóng là cách hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực./.