Các cơ sở nuôi cá tra phải đạt chứng nhận VietGap

Theo Nghị định Chính phủ, đến cuối năm 2015, cơ sở nuôi cá tra phải đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp pháp luật Việt.
Các cơ sở nuôi cá tra phải đạt chứng nhận VietGap ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam .

Đây là một trong những quy định của Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ vừa ban hành.

Nghị định quy định rõ, ngoài điều kiện trên, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải có địa điểm, diện tích nuôi cá tra thương phẩm phù hợp với quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương xác nhận việc đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá tra thương phẩm.

Cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản; được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương chứng nhận, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; đồng thời, phải sử dụng giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định về điều kiện chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến. Theo đó, cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến cá tra phải được nuôi từ cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đáp ứng các điều kiện trên.

Sản phẩm cá tra chế biến phải đáp ứng quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Đối với việc chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, cơ sở phải sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.

Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%; hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.

Ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam và nước nhập khẩu về ghi nhãn thực phẩm, trên nhãn sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh phải thể hiện các thông tin về khối lượng tịnh của sản phẩm; tỷ lệ mạ băng; tên các loại hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến sử dụng trong quá trình chế biến.

Nghị định quy định, thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra phải có cơ sở chế biến cá tra đáp ứng điều kiện quy định; trường hợp không có cơ sở chế biến thì phải có hợp đồng gia công hoặc hợp đồng mua sản phẩm cá tra tại cơ sở chế biến cá tra đáp ứng điều kiện quy định.

Đồng thời, các thương nhân này phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá tra Việt Nam theo quy định. Cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội cá tra Việt Nam xác nhận.

Nghị định cũng quy định rõ thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra nếu vi phạm các quy định tại Nghị định, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn bị đình chỉ xuất khẩu lô hàng sản phẩm cá tra không đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu; tạm dừng xuất khẩu sản phẩm cá tra đối với thương nhân xuất khẩu bị cơ quan có thẩm quyền của thị trường nhập khẩu yêu cầu tạm dừng do có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đối với trường hợp nước nhập khẩu không yêu cầu Việt Nam kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu nhưng có quy định đình chỉ nhập khẩu sản phẩm cá tra từ Việt Nam nếu phát hiện nhiều lô hàng vi phạm thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm đối với thương nhân, cơ sở chế biến có lô hàng bị cảnh báo vi phạm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục