Trong lĩnh vực phục hồi chức năng những năm gần đây, nhu cầu của người dân tăng cao với mong muốn có một cuộc sống khoẻ mạnh và chất lượng.
Hiện tại, các cơ sở khám chữa bệnh phục hồi chức năng mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng.
Giáo sư Cao Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức Năng Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ ra mắt Trung tâm Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản Myrehab-Matsuoka diễn ra ngày 11/6, tại Hà Nội.
[Phát hiện và can thiệp sớm, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng]
Sự kiện này đồng thời góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thân thiết suốt 50 năm qua giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Giáo sư Cao Minh Châu phân tích nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao nhưng hệ thống khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trên cả nước vẫn còn chưa đáp ứng được kịp thời những nhu cầu tăng cao này. Do đó ngày càng nhiều các cơ sở phục hồi chức năng được hình thành và phát triển trên toàn quốc với tổng số trên 63 bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng.
Nguyên nhân là do khả năng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế này còn gặp khó khăn do thiếu hụt nhân lực có chuyên môn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chậm được đầu tư cũng như thiếu cơ chế cung cấp dịch vụ linh loạt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới tại thời điểm năm 2019, cứ ba người thì có một người gặp phải tình trạng sức khỏe cần phục hồi chức năng. Tỷ lệ hiện mắc các bệnh cần phục hồi chức năng trên toàn thế giới là 31.200/100.000 dân, tương đương 2,4 tỷ người.
Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức Năng Việt Nam cũng cho hay ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất cứ khoảng 7 người thì có 2 người mắc các bệnh/tật cần phục hồi chức năng, tương ứng với tỷ lệ 30.000/100.000 dân, thấp hơn không đáng kể so với mức trung bình của Thế giới và của khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính, số lượng người có nhu cầu phục hồi chức năng của cả nước là 29 triệu người.
Các chuyên gia đánh giá nhu cầu về phục hồi chức năng sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới do mô hình bệnh tật ở Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi đa gánh nặng: Chấn thương không chủ định, bệnh tim mạch, đột quỵ, tai biến mạch máu não, tai nạn thương tích trong cuộc sống, già hoá dân số. Bên cạnh đó, những tiến bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kỹ thuật y học giúp phát hiện sớm nhiều hơn, cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nên số lượng cần phục hồi chức năng cũng sẽ nhiều hơn.
Trung tâm Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản Myrehab-Matsuoka ra đời được kỳ vọng tạo ra một bước tiến mới cho ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam, mang đến cho người dân Việt Nam cơ hội tiếp cận nền y học tiên tiến và chất lượng phục vụ lấy người bệnh làm trung tâm của Nhật Bản.
Tiến sỹ Matsuoka Yoshinori, đại diện Tập đoàn y tế EMS Nhật Bản cho biết phục hồi chức năng tại Nhật Bản khác xa mát đơn thuần. Các bác sỹ phân tích bệnh nhân dựa trên dấu hiệu lâm sàng và bệnh án để lập kế hoạch điều trị chi tiết cho bệnh nhân. Với sự hợp tác này, hai bên sẽ phát triển một kỷ nguyên phục hồi chức năng mới, vận dụng công nghệ phục hồi chức năng của Nhật Bản để điều trị hiệu quả và phù hợp nhất cho người Việt.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác toàn diện về chuyên môn dựa trên việc phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên, khai thác và tận dụng hiệu quả tiềm năng về cơ sở vật chất, con người và chuyên môn trong việc chuẩn hoá mô hình trung tâm phục hồi chức năng.
Một số hoạt động hợp tác giữa hai bên như áp dụng mô hình phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn Nhật Bản thông qua việc Tập đoàn EMS sẽ cử chuyên gia sang đào tạo tại Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ thuật viên của Myrehab tại Nhật Bản và chuyển giao kỹ thuật trị liệu cho phía Việt Nam.../.