Các chuyên gia kêu gọi Nhật rút lại kế hoạch xả thải nước nhiễm độc

Một nhóm chuyên gia nghiên cứu hạt nhân Hàn Quốc đã kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định xả thải nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.
Các bể chứa nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, một nhóm chuyên gia nghiên cứu hạt nhân Hàn Quốc ngày 20/4 đã kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định xả thải nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển, đồng thời kêu gọi cung cấp nhiều thông tin hơn về kế hoạch này.

Nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản đã không cung cấp thông tin cụ thể về kế hoạch với cộng đồng quốc tế, và bày tỏ lo ngại về tác động tiềm ẩn của động thái này với nước láng giềng Hàn Quốc.

Nhóm này nêu rõ: "Chính phủ Nhật Bản nên rút lại kế hoạch xả nước ra biển. Để dự đoán một cách khoa học thời gian và phạm vi tác động của việc xả thải với Hàn Quốc, cần cấp thiết cung cấp dữ liệu về nước nhiễm phóng xạ do cộng đồng quốc tế xác minh."

[Nhật Bản: Hàn Quốc có thể tham gia giám sát xả thải từ Fukushima]

Bộ Khoa học Hàn Quốc cho biết sẽ nhanh chóng phân tích tác động của việc xả thải với Hàn Quốc ngay khi Nhật Bản lên kế hoạch cụ thể.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này sẽ tham gia nhóm giám sát quốc tế do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dẫn đầu đối với kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Bộ này đã gia hạn cam kết trong một báo cáo trình lên quốc hội, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn sau khi Nhật Bản cho biết sẽ bắt đầu xả hơn 1,2 triệu tấn nước nhiễm xạ từ Fukushima ra Thái Bình Dương.

Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch này, nói rằng Nhật Bản chưa cung cấp đủ thông tin về việc xả thải.

Hàn Quốc bày tỏ mong muốn tham gia vào các nỗ lực của IAEA để xác minh tính an toàn của hoạt động này.

Bộ trên cho biết Hàn Quốc cũng có kế hoạch yêu cầu hai nước tổ chức các cuộc tham vấn chung của các chuyên gia từ cả hai nước về vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục