Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân mắc các bệnh lý tim mạch, nhằm cập nhật các tiến bộ cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý tim mạch, ngày 17/6, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Tim mạch lần thứ 3.
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch trong và ngoài nước.
Báo cáo tại Hội nghị, bác sỹ Kiều Ngọc Dũng, Trưởng Khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rung nhĩ hiện tại đã trở thành một gánh nặng bệnh lý trên toàn thế giới, số lượng bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ ngày càng nhiều với khoảng 1-2% dân số bị mắc rung nhĩ.
[Nâng cao năng lực cho 10.000 nhân viên y tế điều trị bệnh tim mạch]
Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 10% người trên 80 tuổi mắc rung nhĩ và 1/3 tổng số bệnh nhân rối loạn nhịp nhập viện là do rung nhĩ.
Rung nhĩ là nguyên nhân gây rối loạn nhịp hàng đầu khiến cho bệnh nhân phải nhập viện.
Rung nhĩ có thể gây suy giảm nhận thức, tăng tử vong, đột quỵ và suy tim.
Trong những năm qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, việc điều trị rung nhĩ đã đạt được nhiều bước đột phá, đặc biệt trong việc triệt đốt rung nhĩ.
Với sự ra đời của kỹ thuật cô lập tĩnh mạch phổi bằng bóng lạnh cho phép làm lạnh vùng mô cơ tim tại vị trí cần triệt đốt xuống đến -40 độ C, phối hợp với việc sử dụng bản đồ giải phẫu điện học ba chiều trong buồng tim đã giúp thời gian triệt đốt rung nhĩ giảm đáng kể, cải thiện chất lượng sống và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân suy tim.
Ở một báo cáo khác, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Văn Sỹ, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho biết những tiến bộ đáng kể trong quản lý bệnh tim mạch trong những năm gần đây đã cải thiện chất lượng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Trong đó, phải kể đến các thuốc chống đông máu mới.
Các thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ, điều trị và phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, mang đến một lựa chọn an toàn và thuận tiện hơn cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các chất ức chế PCSK9 cũng là bước đột phá trong việc kiểm soát chứng tăng cholesterol máu.
Ngoài ra, những năm gần đây, y học thế giới chứng kiến sự phát triển của các liệu pháp kháng tiểu cầu mới giúp cải thiện sức khỏe ở những bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp được can thiệp mạch vành qua da.
Những tác nhân này đã làm giảm nguy cơ thiếu máu cục bộ tái phát, bao gồm cả huyết khối stent.
Hội nghị Tim mạch lần thứ 3 do Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức có 70 bài báo cáo của các chuyên gia đầu ngành đến từ các trung tâm tim mạch trên cả nước.
Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của các báo cáo viên đến từ Bệnh viện Tsukuba (Nhật Bản) và Bệnh viện Tai Chung Veterant (Đài Loan, Trung Quốc)...
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của khu vực miền Nam, bên cạnh chức năng khám chữa bệnh thì công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến... luôn được lãnh đạo bệnh viện ưu tiên.
Tại Hội nghị Tim mạch lần này, 70 chủ đề được báo cáo ở nhiều lĩnh vực như nội tim mạch, điều trị rối loạn nhịp, tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật mạch máu, gây mê hồi sức phẫu thuật tim...
Hội nghị được xem là ngày hội của ngành tim mạch, mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu về tim mạch trong nước và khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức các kỳ hội nghị với nhiều báo cáo có nội dung cập nhật mới và ngày càng chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch.
Ông Lương Ngọc Khuê nhìn nhận bên cạnh ung thư, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, tâm thần thì các bệnh lý tim mạch đã và đang trở thành gánh nặng cho toàn bộ hệ thống y tế.
Các bệnh lý tim mạch để lại hậu quả vô cùng lớn cho sức khỏe của người dân. Do đó, việc chăm sóc, sử dụng các biện pháp kỹ thuật giúp đỡ, hỗ trợ, điều trị đối với các bệnh nhân tim mạch là hết sức quan trọng./.