Ngày 15/8, các chủ nợ đang nắm giữ trái phiếu được định giá bằng đồng euro của Argentina đã lên tiếng phản đối việc Tòa án liên bang Mỹ tại New York phong tỏa khoản tiền mà Argentina đã gửi vào ngân hàng Bank of New York Mellon để thanh toán tiền trái phiếu.
Hành động ''đóng băng'' này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ của Argentina.
Luật sư của các chủ nợ trên cho biết họ sẽ kháng cáo yêu cầu bác bỏ phán quyết mà Thẩm phán Tòa án Liên bang Mỹ tại New York, ông Thomas Griesa, đưa ra tháng trước về việc phong tỏa số tiền thanh toán nợ trái phiếu của Argentina.
Ông Thomas Griesa đã ra phán quyết phong tỏa khoản tiền 539 triệu USD mà Argentina đã gửi vào ngân hàng Bank of New York Mellon từ cuối tháng Sáu để thanh toán cho 92,4% chủ sở hữu trái phiếu bằng đồng euro tham gia chương trình tái cơ cấu nợ và chỉ dỡ bỏ lệnh phong tỏa này nếu Argentina chấp nhận thanh toán toàn bộ và ngay khoản nợ 1,3 tỷ USD cộng với lãi suất cho NML Capital và Aurelius Management.
Cuộc đàm phán giữa Argentina với các quỹ đầu tư Mỹ thất bại, khiến Argentina không thanh toán được khoản nợ 539 triệu USD cho các chủ nợ trước thời hạn chót 30/7 và rơi vào tình trạng được cho là vỡ nợ về mặt kỹ thuật.
Ông Thomas Griesa phản đối chuyển tiền thanh toán cho các chủ sở hữu trái phiếu định giá bằng đồng euro theo như quy định trước năm 2012. Tuy nhiên, Argentina cho rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ sau khi Argentina rơi vào cảnh vỡ nợ hồi năm 2001, vì thế các quỹ này không thể được thanh toán toàn bộ 1,3 tỷ USD giá trị số trái phiếu họ đang nắm giữ.
Trước đó, các ngân hàng quốc tế gồm Citigroup, Deutsche Bank, HSBC và JP Morgan đã đưa ra đề nghị mua lại số trái phiếu của Argentina trị giá gần 1,66 tỷ USD (tính gộp cả lãi suất) mà các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ đang nắm giữ với giá tương đương 50% giá trị số trái phiếu trên, cao hơn mức 40% đưa ra trước đó.
Các cuộc thương lượng này diễn ra song song với các cuộc đàm phán giữa Argentina và các quỹ đầu tư của Mỹ, trong đó dẫn đầu là Elliott Management Corp và Aurelius Capital Ltd.
Cuộc khủng hoảng nợ của Argentina bắt nguồn từ vụ vỡ nợ năm 2001, khi nước này không thanh toán được khoản nợ trị giá 100 tỷ USD.
Chính phủ Argentina đã tiến hành hai đợt tái cơ cấu nợ hồi năm 2005 và 2010, theo đó 92,4% chủ nợ đồng ý nhận 30% giá trị thực của trái phiếu. Tuy nhiên, số 7,6% chủ nợ còn lại đòi phải thanh toán toàn bộ giá trị khoản nợ, cộng thêm cả lãi suất./.