Các chính sách hỗ trợ lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài

Lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có thể được gia hạn giấy phép làm việc, hỗ trợ chuyển đổi công việc, hưởng trợ cấp mất việc... nếu gặp những khó khăn do dịch COVID-19.
Các chính sách hỗ trợ lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài ảnh 1Tư vấn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đại COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia hạn chế nhập cảnh, xuất cảnh ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xuất khẩu động. Các thị trường có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc đã có những chính sách hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh như: Gia hạn giấy phép làm việc, trợ cấp tiền, đổi tư cách lưu trú, cách ly lao động quay trở lại làm việc…

Nhật Bản hỗ trợ lao động mất việc

Để hỗ trợ lao động nước ngoài duy trì cuộc sống và việc làm tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành và áp dụng một số chính sách trong thời gian dịch bệnh COVID-19 như: Trợ cấp nghỉ việc, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp sinh hoạt hoặc chuyển đối tư cách lưu trú khi thực tập sinh bị nghỉ việc tạm thời, mất việc làm hoặc không thể về nước trong thời gian này.

Người lao động nước ngoài bị nghỉ việc tạm thời, mất việc với mức hỗ trợ 6.815-8.330 yên/ngày (tương đương 1,5-1,8 triệu đồng/ngày). Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định hỗ trợ đồng loạt 100.000 yên (hơn 21 triệu đồng) cho tất cả công dân đang sinh sống tại Nhật Bản, bao gồm cả người nước ngoài đã đăng ký cư trú hợp pháp tại thời điểm ngày 27/4, có tên trong “sổ đăng ký thường trú cơ bản,” có thẻ lưu trú với thời hạn lưu trú trên 3 tháng và đã đăng ký cư trú tại cơ quan hành chính địa phương sinh sống.

[Dừng đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc cho đến hết tháng 5]

Tổng Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng đã cho phép lao động nước ngoài đã hết thời hạn lưu trú nhưng không thể về nước do hạn chế số lượng chuyến bay từ Nhật Bản được phép chuyển đối tư cách lưu trú thành “khách du lịch ngắn hạn” có thời gian lưu trú tối đa 90 ngày và không được làm việc hoặc hoặc tư cách lưu trú “hoạt động đặc định” có thời gian lưu trú tối đa 90 ngày và được phép làm việc.

Đài Loan gia hạn giấy phép làm việc

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa có thông báo về chính sách gia hạn hợp đồng đối với lao động đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) khi chưa thể về nước, chuyển chủ do tình hình dịch bệnh phức tạp.

Để giảm bớt lượng người xuất cảnh, từ 17/3 đến 17/6 người lao động nước ngoài tại Đài Loan đang làm các công việc như: Thuyền viên tàu cá xa bờ, khán hộ công và giúp việc gia đình, lao động trong các công trình xây dựng trọng điểm hay các ngành phát triển kinh tế… nếu chưa thể xuất cảnh, chưa làm thủ tục gia hạn hợp đồng mới hoặc chuyển chủ theo quy định thì chủ sử dụng có thể xin giấy phép tuyển dụng tiếp lao động với thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng.

Để tránh phát sinh tranh chấp, khi xin giấy phép tuyển dụng tiếp 3 tháng hoặc 6 tháng trên, ngoài hồ sơ theo quy định hiện hành cần có văn bản xác nhận của người lao động về việc đã hiểu rõ và đồng ý về thời gian gia hạn thêm.

Trong thời gian gia hạn thêm 3 tháng hoặc 6 tháng đối với lao động cũ, chủ sử dụng không được tiếp nhận hoặc thuê lao động nước ngoài mới khác. Sau khi hết hạn giấy phép 3 tháng hoặc 6 tháng này, việc đăng ký tuyển lao động nước ngoài của chủ sử dụng thực hiện theo quy định hiện hành.

Các chính sách hỗ trợ lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài ảnh 2Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh chấm dứt hoặc giảm xuống, các chuyến bay về nước của người lao động hoạt động trở lại, nếu người lao động muốn về nước trước khi hết hạn giấy phép gia hạn nêu trên, thì thủ tục xác nhận chấm dứt hợp đồng vẫn phải thực hiện theo quy định hiện hành thì chủ sử dụng mới có thể làm thủ tục đăng ký tuyển lao động nước ngoài mới.

Lao động về nghỉ phép được quay lại Hàn Quốc

Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc cũng vừa ban hành chính sách liên quan đến người lao động về nước nghỉ phép trở lại Hàn Quốc.

Người lao động theo Chương trình EPS về phép trước khi trở lại Hàn Quốc phải đến Văn phòng HRD tại Việt Nam để xin giấy xác nhận địa điểm tự cách ly. Để được cấp giấy xác nhận này, người lao động trước khi nhập cảnh phải chủ động liên hệ với chủ sử dụng, người thân, Đại sứ quán… để chuẩn bị địa điểm tự cách ly tại Hàn Quốc, sau đó liên hệ với Văn phòng HRD. Văn phòng HRD Việt Nam sẽ lập danh sách người lao động và gửi về cho HRD Korea để xác minh địa điểm tự cách ly.

Nếu địa điểm cách ly đáp ứng yêu cầu thì Văn phòng HRD ở nước phái cử cấp giấy xác nhận địa điểm tự cách ly cho người lao động. Người lao động có giấy xác nhận địa điểm tự cách ly sẽ được hỗ trợ để việc nhập cảnh được nhanh chóng. Người lao động không có Giấy xác nhận địa điểm tự cách ly có thể bị từ chối làm thủ tục lên máy bay hoặc khi nhập cảnh Hàn Quốc sẽ phải làm thêm nhiều thủ tục xác minh và có thể bị từ chối cho nhập cảnh nếu không có địa điểm tự cách ly phù hợp.

Trong trường hợp người lao động không thể xin được giấy xác nhận địa điểm tự cách ly vì lý do khách quan (như lịch bay gấp), khi làm thủ tục nhập cảnh tại Hàn Quốc sẽ được cán bộ của HRD Korea hỗ trợ xác minh địa điểm tự cách ly.

Người lao động sẽ phải trả chi phí (khoảng 100.000 won/ngày) khi được cách ly tại địa điểm cách ly tập trung địa phương hoặc chuyên dùng cho lao động. Đối với một số trường hợp người lao động gặp khó khăn về tài chính, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đang cân nhắc để cho những lao động này vay không lãi suất để chi trả chi phí cách ly từ nguồn tiền lãi của bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh và bảo hiểm chi phí hồi hương chưa được chi trả, hiện đang được HRD Korea quản lý.

Chính sách hỗ trợ lao động của Việt Nam

Về các chính hỗ trợ cho lao động đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 của Việt Nam, theo quy định, người lao động sẽ được hoàn trả các khoản chi phí tiền môi giới, tiền dịch vụ và hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Bên môi giới có trách nhiệm hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: Người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với tiền dịch vụ, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác thì sẽ được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khi cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục