Các chính sách đảm bảo kinh tế toàn cầu phục hồi

Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn khẳng định các hành động chính sách mạnh cần được thực hiện ở cả cấp quốc gia và quốc tế.
Ngày 21/2, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn khẳng định mặc dù Hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã đồng thuận các biện pháp tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu nhưng thế giới vẫn cần các hành động chính sách mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo nền kinh tế chung phục hồi đúng hướng và ổn định hơn.

Ông Strauss-Kahn nhấn mạnh các hành động chính sách mạnh cần được thực hiện ở cả cấp quốc gia và quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và phân phối thu nhập.

Trong lĩnh vực tài chính, cần cải tổ hơn nữa hệ thống tiền tệ quốc tế, trong đó nhấn mạnh thay đổi các quy chế, tăng cường giám sát và giải quyết các cơ cấu tài chính xuyên biên giới.

Trong lĩnh vực phân phối thu nhập, cần có những cải tổ mạnh mẽ để đảm bảo thu nhập được phân phối công bằng hơn, tránh những căng thẳng xã hội bùng lên thành những biến động chính trị như ở Trung Đông và Bắc Phi hiện nay. Trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa, vai trò và nhu cầu của thế giới về các thể chế tài chính đa phương như IMF ngày càng tăng lên.

Giám đốc điều hành IMF nhận định về tổng thể, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi nhưng không đồng đều cả trong phạm vi mỗi quốc gia và quốc tế. Sự phục hồi đáng mong muốn không chỉ là đảm bảo tái cân bằng mà còn cần phúc lợi tốt hơn cho mọi người.

Ở châu Á và Mỹ Latin, thậm chí cả ở châu Phi, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra nhanh hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây, nhưng ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu, sự phục hồi không ổn định và còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, như thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách và nợ lớn, trong khi phục hồi về kinh tế, cuộc khủng hoảng xã hội trên toàn cầu vẫn dai dẳng.

Tăng trưởng không tạo nhiều việc làm ở các nền kinh tế phát triển, nguy cơ phát triển quá nóng và hiểm họa khủng hoảng lương thực và năng lượng ở các nền kinh tế đang phát triển có thể làm trầm trọng hơn khủng hoảng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục