Ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Xác định phạm vi nợ công, trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014-2020.”
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu khẳng định các chỉ tiêu về giới hạn nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn cho phép.
Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cảnh báo về những thách thức trong vấn đề nợ công hiện nay cũng như trong những năm tới.
Ngoài ra cũng còn có các ý kiến khác nhau về trần nợ công an toàn của Việt Nam. Vì vậy, để có thêm cơ sở khoa học, đề xuất cho Chính phủ, Quốc hội trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và quản lý nợ công nói riêng.
Đề án “Xác định phạm vi nợ công, trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014-2020” được xây dựng với mục tiêu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về nợ công, phạm vi tính toán nợ công, ngưỡng nợ và trần nợ công, kinh nghiệm quốc tế về nợ công, đánh giá thực trạng nợ công và đề xuất ngưỡng nợ công và trần nợ công của Việt Nam trong giai đoạn này. Từ đó, kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện chính sách nợ công của Việt Nam.
Theo báo cáo của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nợ công và nguy cơ khủng hoảng nợ công đang là vấn đề kinh tế nóng bỏng của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Ở Việt Nam, vấn đề nợ công và an toàn nợ công đang được Quốc hội, Chính phủ và các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Vẫn còn những ý kiến khác nhau về phạm vi xác định nợ công và mức độ an toàn của nợ công Việt Nam hiện nay.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết tại các nước giải pháp về nợ công có sự khác nhau. Do đó, Việt Nam cũng cần có những bước đi cũng như cách thức phù hợp với thể chế chính trị và kinh tế thì mới đảm bảo được hiệu quả; đặc biệt là ngăn chặn được tác dụng không mong muốn trong nợ công tới nền kinh tế.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính Tiền tệ, Học Viện Chính sách và Phát triển, đánh giá tổng quát về mức độ an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay có mức độ rủi ro vỡ nợ thấp nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nên triển vọng là “không bền vững."
Báo cáo của Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy hiện tại không có bộ tiêu chuẩn chung về mức ngưỡng an toàn nợ công để áp dụng cho tất cả các nước.
Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện tại chỉ đưa ra một số chỉ tiêu đánh giá “mức độ rủi ro của nợ nước ngoài” chứ không phải toàn bộ nợ công.
Theo kinh nghiệm quốc tế, các chỉ tiêu an toàn nợ công được xác định dựa vào những yếu tố chủ yếu như: thực trạng chất lượng và rủi ro nợ công; ảnh hưởng kinh tế vĩ mô; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm quốc gia./.