Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 219,22 điểm, xuống 40.755,75 điểm; chỉ số S&P 500 mất 16,66 điểm, xuống 5.503,41 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 43,37 điểm, lên 17.127,66 điểm.

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết thúc phiên giao dịch đầy biến động ngày 5/9, các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều.

Trong khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones đồng loạt đi xuống sau đà tăng ngắn hạn từ một loạt các báo cáo kinh tế và các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu việc tháng Tám vào ngày 6/9, chỉ số Nasdaq lại tăng nhẹ.

Đầu phiên, các chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm sau khi có báo cáo giúp xoa dịu lo ngại về sự suy thoái của thị trường lao động.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng trong tháng 8/2024, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm vào tuần trước.

Tuy nhiên, đến cuối phiên, 8 trong số 11 lĩnh vực của S&P 500 mất điểm, dẫn đầu là sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và công nghiệp.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 219,22 điểm, tương đương 0,54%, xuống 40.755,75 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 16,66 điểm, tương đương 0,30%, xuống 5.503,41 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 43,37 điểm, tương đương 0,25%, lên 17.127,66 điểm.

Ông Wasif Latif, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Sarmaya Partners, cho biết: “Thị trường đang theo dõi các dữ liệu kinh tế quan trọng để hiểu hơn về ‘sức khỏe’ của nền kinh tế và kịch bản hạ cánh, cũng như xem xét điều đó có ý nghĩa gì đối với chính sách lãi suất của Fed.”

Tháng Chín vốn là tháng ảm đạm đối với chứng khoán Mỹ, với việc chỉ số S&P 500 giảm trung bình khoảng 1,2% trong tháng này kể từ năm 1928.

Chỉ số này đã giảm hơn 2,5% tính từ đầu tháng đến thời điểm hiện tại và các cổ phiếu công nghệ cũng giảm khoảng 4,8%.

Theo Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP, vào tháng 8/2024, các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã tuyển dụng ít nhất kể từ tháng 1/2021 và dữ liệu việc làm của tháng trước đã được điều chỉnh thấp hơn, cho thấy sự suy giảm mạnh của thị trường lao động.

Thị trường đang tỏ ra quá nhạy cảm với những lo ngại về khả năng tăng trưởng trong những tuần gần đây, bao gồm đợt bán tháo cổ phiếu vào ngày 3/9, sau khi Mỹ công bố dữ liệu sản xuất yếu.

Điều đó khiến dữ liệu thị trường lao động bị theo dõi sát sao hơn, với mọi sự chú ý đổ dồn vào báo cáo việc làm chính thức trong tháng 8/2024 của Bộ Lao động, được công bố vào ngày 6/9.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 5/9, chỉ số VN - Index giảm 7,59 điểm (0,59%) xuống 1.268,21 điểm. Chỉ số HNX - Index cũng để mất 1,18 điểm (0,50%) xuống 234,96 điểm./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một tháng nhiều thăng trầm với chứng khoán Mỹ

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 228,03 điểm, tương đương 0,55%, đóng cửa ở mức 41.563,08 điểm. Chỉ số blue-chip này đã vọt lên mức đỉnh mới trong những phút cuối của phiên giao dịch.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục