Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm điểm tuần thứ ba liên tiếp

Tại Phố Wall, S&P 500 khép lại tuần qua giảm 0,2%, ghi nhận tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp; Nasdaq Composite giảm 2%, cũng đánh dấu ba tuần lao dốc liên tiếp; trong khi Dow Jones tăng 0,9% trong tuần.
Tòa nhà thị trường chứng khoán Mỹ ở New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù đảo chiều tăng điểm trong phiên cuối tuần này, song hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Phố Wall vẫn chứng kiến tuần giao dịch đi xuống thứ ba liên tiếp, khi những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục lấn át tâm lý của giới đầu tư.

Sau khi “đỏ sàn” ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/12, thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi ngay trong phiên giao dịch sau đó, dứt chuỗi bốn phiên hạ điểm liên tiếp, do giới đầu tư cố gắng bỏ qua những bất ổn của thị trường.

Yếu tố đáng chú ý trong phiên này là việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ, khi thông báo sẽ cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng cao tới 0,5% thay vì mức trần 0,25% trước đó.

Động thái này theo sau việc một loạt ngân hàng trung ương lớn khác tăng mạnh lãi suất như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), làm tăng thêm lo ngại về sự chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Việc chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã tăng vượt dự kiến lên 108,3 trong tháng 12/2022 đã giúp Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên 21/12, trước khi quay đầu đi giảm mạnh trong phiên sau đó do các nhà đầu tư lo ngại rằng dữ liệu cho thấy nền kinh tế phục hồi sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian lâu hơn dự kiến.

[Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đối mặt với nỗi lo suy thoái kinh tế]

Ước tính cuối cùng về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý 3 năm 2022 đạt mức 3,2%, cao hơn ước tính trước đó là 2,9%. Trong khi đó, Bộ Lao động cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã tăng lên 216.000 đơn vào tuần trước, thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế là 222.000 đơn.

Matt Stucky, chuyên gia danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Northwestern Mutual Wealth Management Company (Mỹ), cho biết: “Chúng ta đang vượt qua một trong những nỗi lo lớn của năm 2022. Đó là phản ứng của Fed trước áp lực lạm phát cao cho tới mối lo ngại về năm 2023 và nguy cơ một cuộc suy thoái đang diễn ra ở Mỹ và có thể là trên toàn cầu.”

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/12, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều khép lại với “sắc xanh,” song mối quan ngại dai dẳng về nguy cơ suy thoái vẫn nhấn chìm sự tự tin của giới đầu tư và khiến hai trong ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch thứ ba liên tiếp giảm điểm.

Chốt phiên giao này, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 3.844,82 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,2% lên 10.497,86 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 176,44 điểm (tương đương 0,5%) lên 33.203,93 điểm.

Các chỉ số chính biến động vào đầu phiên sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, một thước đo lạm phát thường dùng của Fed, tăng hơn một chút so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp những nỗ lực của ngân hàng này.

Louis Navellier, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Công ty đầu tư tăng trưởng Navellier & Associates (Mỹ), nhận định: “Những số liệu kinh tế được công bố hôm nay cho thấy khó khăn đối với nhà đầu tư đang gia tăng, khi những số liệu kinh tế yếu kém mang đến lo sợ về suy thoái và dữ liệu mạnh mẽ khiến Fed lo ngại về lạm phát.”

S&P 500 khép lại tuần qua giảm 0,2%, ghi nhận tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 2%, cũng đánh dấu ba tuần lao dốc liên tiếp. Trong khi, Dow Jones tăng 0,9% trong tuần qua.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã trỗi dậy gần đây, làm tiêu tan hy vọng của nhà đầu tư về đà tăng vào cuối năm của thị trường chứng khoán và dẫn đến mức giảm mạnh trong tháng 12. Nhà đầu tư lo lắng rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức từ các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Từ đầu tháng 12 đến nay, S&P 500 sụt 5,8%, còn Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm hơn 4% và 8,5%. Đây là mức giảm theo tháng lớn nhất đối với các chỉ số chính kể từ tháng 9/2022. Chứng khoán Mỹ cũng được dự đoán sẽ làm "đứt mạch" ba năm tăng liên tiếp và ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục