Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, lạm phát trong lĩnh vực bán buôn tại Mỹ trong tháng 6 đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó tiếp tục phản ánh tình trạng lạm phát gia tăng trong nền kinh tế Mỹ.
Theo báo cáo Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/7, nguyên nhân khiến lạm phát bán buôn trong tháng 6 tăng mạnh là do giá năng lượng tăng 54% so với một năm trước đó. Tính theo tháng, lạm phát bán buôn tăng 1,1% so với tháng 5, cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất của Mỹ - giúp đo lường sự thay đổi về giá cả của các nhà sản xuất- đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đạt mức kỷ lục 11,6% vào tháng 3. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, giá sản xuất trong tháng 6 đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
So với năm ngoái, giá sản xuất đã tăng gần 18% đối với hàng hóa và gần 8% đối với dịch vụ. Bộ Lao động Mỹ nêu rõ giá vận tải và kho bãi bán buôn tăng 23% và giá thực phẩm tăng gần 13% so với một năm trước. Tình trạng lạm phát cao kéo dài đã làm giảm thu nhập, gia tăng áp lực giá cả đối với các công ty lớn và nhỏ và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế do chi phí đi vay ngày càng cao.
Điều này cũng đã làm giảm sự ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Joe Biden và phủ bóng lên triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Báo cáo của Bộ Lao động về giá bán buôn được đưa ra một ngày sau khi bộ này thông báo giá khí đốt, thực phẩm và tiền thuê nhà tăng cao đã đẩy lạm phát tiêu dùng trong tháng 6 lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ, gây thêm áp lực cho các hộ gia đình. Cụ thể, giá tiêu dùng tăng 9,1% so với một năm trước, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1981.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt tay vào một loạt đợt tăng lãi suất nhằm mục đích kiềm chế lạm phát cao mà không gây suy thoái. Lạm phát leo thang bắt nguồn từ sự phục hồi nhanh chóng sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Viện trợ của Chính phủ Mỹ cũng với mức lãi suất siêu thấp do Fed quy định đã khiến người tiêu dùng tăng tốc chi tiêu.
Các nhà máy, bến cảng, bến bãi vận chuyển hàng hóa quá tải dẫn đến tình trạng khan hàng, chậm chuyến và tăng giá. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã làm gia tăng lạm phát về năng lượng và lương thực.
[Những lợi thế và rủi ro của đồng USD mạnh đối với kinh tế Mỹ]
Một số nhà kinh tế đã hy vọng rằng lạm phát có thể đạt đến đỉnh trong ngắn hạn. Giá xăng đã giảm, trong khi chi phí vận chuyển và giá cả hàng hóa đã điều chỉnh, xu hướng tăng lương cũng đã chậm lại. Các cuộc khảo sát cho thấy rằng kỳ vọng của người Mỹ về lạm phát trong thời gian dài đã giảm bớt - một xu hướng thường dẫn đến việc tăng giá vừa phải hơn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo các báo cáo tuần này, lạm phát tiêu dùng và bán buôn không ngừng tăng, khiến Fed sẽ vẫn chịu áp lực tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong những tháng tới. Sức mạnh của thị trường việc làm Mỹ, xu hướng tuyển dụng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ đồng nghĩa rằng ngày càng nhiều người có tiền lương để chi tiêu, tạo thêm áp lực lên giá cả.
Theo chuyên gia kinh tế Mahir Rasheed tại Oxford Economics, mức cải thiện khiêm tốn về điều kiện nguồn cung, áp lực giá cả sẽ càng củng cố quyết tâm của Fed trong việc chống lạm phát./.