Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong tuần qua

Chốt phiên 19/11, chỉ số Dow Jones giảm do những lo ngại lớn hơn về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Mỹ và châu Âu, nhưng chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức cao kỷ lục.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong tuần qua ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong tuần qua khi chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, chỉ số Dow Jones giảm 1,4%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,2%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 19/11 trái chiều, với chỉ số Dow Jones giảm do những lo ngại lớn hơn về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Mỹ và châu Âu, nhưng chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức cao kỷ lục khi lợi suất trái phiếu giảm.

Chỉ số Dow Jones giảm 268,97 điểm, hay 0,75%, xuống 35.601,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,58 điểm, hay 0,14%, xuống 4.697,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 63,73 điểm, hay 0,4%, lên 16.057,44 điểm.

Khép phiên 18/11, chỉ số Dow Jones giảm 0,2% xuống 35.870,95 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 4.704,54 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 0,5% lên 15.993,71 điểm, do các nhà đầu tư lạc quan trước doanh số của các doanh nghiệp, trong khi vẫn lo ngại về sự gia tăng của lạm phát và các ca mắc mới COVID-19.

Trong phiên giao dịch 17/11, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống, do mối lo ngại về lạm phát và những vấn đề trong chuỗi cung ứng “phủ mây đen” lên báo cáo doanh thu của các nhà bán lẻ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng dự báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, để khống chế lạm phát.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 211,17 điểm (0,58%) xuống 35.931,05 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 12,23 điểm (0,26%) xuống 4.688,67 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,28 điểm (0,33%) xuống 15.921,57 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong phiên 16/11, sau khi công ty bán lẻ thiết bị gia dụng Home Depot (Mỹ) báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng trong quý 3/2021 và dữ liệu cho thấy đà tăng trưởng tích cực doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 vừa qua. Điều này báo hiệu “sức khỏe” của người tiêu dùng vẫn ổn định và giúp giảm bớt lo ngại về việc Fed có thể có biện pháp quyết liệt hơn khi đối mặt với lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 54,77 điểm (tương đương 0,15%) lên 36.142,22 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 18,1 điểm (0,39%) lên 4.700,90 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 120,01 điểm (0,76%) lên 15.973,86 điểm.

[Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống do mối lo ngại về lạm phát]

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên giao dịch 15/11 khi giới đầu tư chờ đợi việc Mỹ công bố doanh số bán lẻ quan trọng vào ngày 16/11. Kết thúc phiên giao dịch 15/11, chỉ số Dow Jones giảm gần 0,1% xuống 36.087,45 điểm. Chỉ số S&P 500 gần như không đổi, đứng ở mức 4.682,80 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm hơn 0,1% xuống 15.853,85 điểm.

Trong tháng 10, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 1,7%, mạnh hơn dự kiến và doanh thu từ một số chuỗi bán lẻ cho thấy lượng khách hàng không giảm. Doanh thu vẫn đạt các con số ấn tượng, ngay cả khi các nhà đầu tư lo ngại các doanh nghiệp sẽ không thể xoay sở được với các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty công nghệ đã tạo động lực cho thị trường vốn chịu áp lực do lực những lo ngại về đại dịch.

Theo Giám đốc đầu tư của công ty dịch vụ quản lý đầu tư Wilmington Trust (Mỹ) Tony Roth, châu Âu hiện đang có nhiều vấn đề, gây lo ngại rằng một sự gia tăng tương tự số ca mắc COVID-19 tại Mỹ. Điều này đã đưa đến mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu của các công ty hưởng lợi nhờ xu hướng "ở trong nhà" trong đại dịch như các cổ phiếu công nghệ và những lĩnh vực được thúc đẩy trong điều kiện lãi suất thấp.

Một số nhà đầu tư cho rằng tin về số ca mắc COVID-19 gia tăng được cho là lý do để giảm mua vào trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn tại Mỹ trong tuần tới tại Mỹ.

Thông báo phong tỏa toàn quốc 20 ngày của Chính phủ Áo đã khiến các thị trường chứng khoán chịu sức ép và thúc đẩy hoạt động mua vào các trái phiếu chính phủ an toàn. Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 gia tăng khi mùa du lịch sẽ bắt đầu trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về các chỉ số chứng khoán Mỹ, dù có những lo ngại như lạm phát. Ông Roth vẫn tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, nhờ việc tiến hành tiêm bổ sung vaccine ngừa COVID-19.

Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ chờ xem Tổng thống (Mỹ) Joe Biden có tiếp tục chỉ định ông Jerome Powell là người đứng đầu Fed hay sẽ có một lựa chọn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục