Các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 23/5, do những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng tiếp tục là yếu tố chi phối tâm lý của các nhà đầu tư, trong khi đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp kỷ lục mới trong bốn tháng do những lo ngại về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, được gọi là Brexit.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong chốt phiên này giảm mạnh nhất, với mức giảm 1,58%, hay 438,81 điểm, xuống 27.267,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,35%, hay 39,18 điểm, xuống 2.852,52 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,62%, hay 132,23 điểm, xuống 21.151,14 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,26%, xuống 2.059,59 điểm.
Các thị trường trên khắp khu vực trong nhuộm sắc đỏ do hoạt động bán ra của các nhà đầu tư, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cấm tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei tại thị trường Mỹ và cấm các công ty Mỹ giao dịch với tập đoàn này. Động thái này khiến một số công ty trên khắp thế giới hạn chế hoạt động với Huawei, trong đó có Google, Panasonic của Nhật Bản và BT ở Anh.
Diễn biến mới, được xem như sự mở rộng cuộc chiến thương mại ra lĩnh vực công nghệ, đã tác động đến một lĩnh vực mà các công ty lớn đang chứng kiến giá trị giảm mạnh trong những tuần gần đây. Trong phiên 23/5, giá cổ phiếu của "ông trùm" công nghệ của Trung Quốc là Tencent giảm hơn 4% tại thị trường Hong Kong, trong khi cổ phiếu của Sony giảm 3,7% tại Tokyo, cổ phiếu của LG Display giảm hơn 3% tại Seoul và cổ phiếu của của TSMC giảm ở mức tương tự tại Taipei.
[Chứng khoán châu Á mất đà do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung]
Nhà phân tích thị trường của OANDA, Jeffrey Halley, cho rằng tâm lý của nhà đầu tư sẽ dễ bị tác động trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tình hình này sẽ tiếp diễn cho đến khi có tiến triển rõ ràng hơn. Theo ông, các thị trường chứng khoán có thể khó tìm được động lực đi lên liên tục trong bối cảnh đó. Trong khi đó, nhà phân tích về thị trường của Markets.com, Neil Wilson, cho rằng thương mại vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các thị trường chứng khoán, với tâm lý nhà đầu tư ngày càng càng bi quan hơn.
Tuy nhiên, trước tình trạng giảm sút chung, nhiều nhà quan sát vẫn hy vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Trên kênh Bloomberg TV, ông Steven Englander thuộc Standard Chartered cho rằng các thị trường đang chờ đợi những diễn biến mới trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới vào tháng tới tại Nhật Bản.
Trên thị trường tiền tệ, các nhà giao dịch bán ra đồng bảng khi những diễn biến hiện nay vô cùng bất lợi đối với Thủ tướng Anh Theresa May sau khi bà trình bày thỏa thuận Brexit "mới" chiều 22/5 tại Hạ viện, đẩy nước Anh bước vào một tương lai bất định. Nguy cơ Brexit không thỏa thuận đang gia tăng, trong khi thời gian tại vị của Thủ tướng May đang được tính theo ngày.
Đồng bảng giảm so với đồng USD xuống 1,2615 USD từ mức 1,2661 USD trước đó, trong khi đồng euro tăng so với đồng bảng, lên 88,31 xu, so với mức 88,09 xu./.