Các ca bệnh COVID-19 tăng nhanh, hệ thống y tế EU có nguy cơ quá tải

Theo đánh giá của Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu, khả năng các hệ thống chăm sóc sức khỏe của EU, Iceland, Lichtenstein và Anh bị quá tải rất dễ xảy ra trong những tuần tới.
Các ca bệnh COVID-19 tăng nhanh, hệ thống y tế EU có nguy cơ quá tải ảnh 1Khoa cấp cứu tại bệnh viện Cardarelli ở Naples, Italy, nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngày 11/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 12/3, Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo "nguy cơ cao" hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bị quá tải do dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

Theo đánh giá của ECDC, khả năng các hệ thống chăm sóc sức khỏe của EU, Iceland, Lichtenstein và Anh bị quá tải rất dễ xảy ra trong những tuần tới.

Trên mạng xã hội Twitter, Ủy viên phụ trách y tế châu Âu Stella Kyriakides nhấn mạnh rằng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là "cần thiết hơn bao giờ hết trên toàn EU."

[Phu nhân Thủ tướng Canada dương tính với virus SARS-CoV-2]

Nhiều quốc gia thành viên đã thực hiện các biện pháp sâu rộng, có tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên trong khi vẫn đảm bảo duy trì hoạt động, Ủy ban châu Âu (EC) đã xây dựng và ban hành một loạt biện pháp.

EC đã sắp xếp lịch công tác linh hoạt cho các nhân viên. Kể từ ngày 16/3, tất cả nhân viên trong các bộ phận không quan trọng sẽ làm việc từ xa.

Cho đến nay, đã có 9.000 nhân viên của EC làm việc từ xa, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân viên.

Cũng từ ngày 16/3, tất cả các trường phổ thông và mẫu giáo châu Âu tại Brussels sẽ đóng cửa. Bất kỳ người nào có triệu chứng sẽ được yêu cầu ở nhà tự cách ly.

Các cuộc họp hoặc sự kiện từ một quốc gia khác sẽ được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến hoặc bị hoãn.

Mọi khóa học theo lớp cùng các sự kiện đào tạo khác cho nhân viên đều bị hủy.

Chỉ các nhiệm vụ thực sự thiết yếu ở trong hoặc ngoài EU mới được duy trì. EC cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng xem xét, hoặc đưa ra các biện pháp tiếp theo trong trường hợp cần thiết.

Tại Nga, ngày 12/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của nước này cho biết trong vòng 24 giờ qua tại Nga đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong số ca nhiễm mới nói trên có 4 công dân Nga tại thủ đô Moskva, 1 người ở tỉnh Krasnodar, 1 người ở tỉnh Kaliningrad.

Như vậy, số người mắc COVID-19 ở Nga đã tăng lên 34 người, gồm 31 công dân Nga từ nước ngoài trở về, 2 người Trung Quốc và 1 người Italy.

Kể từ ngày 13/3, tỉnh Moskva sẽ áp dụng chế độ cảnh báo cao về dịch COVID-19, theo đó sẽ cấm tổ chức các sự kiện lớn với số lượng tham gia hơn 5.000 người tại tỉnh này.

Trước đó, ngày 10/3 vừa qua, chính quyền thành phố Moskva đã áp dụng lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn với hơn 5.000 người tham gia. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến ngày 10/4.

Ngoài ra, Nga cũng hạn chế các chuyến bay với Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha kể từ ngày 13/3.

Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế Belarus ngày 12/3 thông báo nước này sẽ hạn chế tổ chức các sự kiện lớn có sự tham gia của quốc tế, và biện pháp này sẽ có hiệu lực từ nay cho đến ngày 6/4.

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn Bộ Y tế Belarus cho biết việc cho phép tiến hành các sự kiện lớn khác sẽ được quyết định sau khi đánh giá các điều kiện cần thiết.

Theo Bộ Y tế Belarus, nhiệm vụ chính hiện nay là không để xảy ra nguy cơ đối với những người tham gia các sự kiện.

Cho đến nay, Belarus đã xác nhận có 21 trường hợp nhiễm virus SAR-2-COV tại nước này.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các nhà tổ chức sự kiện hủy những hoạt động không cần thiết với sự tham gia của hàng trăm người.

Trước đó, nhà chức trách Đức cũng đã cấm tổ chức các sự kiện có sự tham gia của trên 1.000 người trở lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Đức tăng mạnh, chính phủ nước này đã đẩy mạnh các biện pháp ứng phó.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh "cần phải tránh tiếp xúc xã hội, nếu có thể."

Theo đó, bà kêu gọi hủy tất cả các sự kiện có dưới 1.000 người tham gia.

Thủ tướng Merkel cũng cho biết chính quyền của 16 bang thuộc Đức sẽ tự quyết định có đóng cửa các trường học hay không và phương án này có thể kéo dài đến kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng Tư.

Do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh, Cộng hòa Cyprus ngày 12/3 tuyên bố du thuyền Marco Polo có thể neo ngoài khơi, song không ai trên tàu này được lên bờ, sau khi một số hành khách trên tàu có biểu hiện nhiễm virus SAR-2-COV.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Cyprus Yiannis Karousos nêu rõ đây là chỉ thị của Tổng thống Nicos Anastasiades.

Trước đó, bác sỹ trên tàu đã thông báo với giới chức Cyprus rằng một số hành khách đã có biểu hiện mắc bệnh, trong đó có một nữ hành khách cần được chữa trị.

Các quan chức y tế và vận tải của Cyrpus hiện đang liên lạc với con tàu.

Đài truyền hình CyBC đưa tin theo dự kiến, du thuyền Marco Polo chở 800 khách, trong đó chủ yếu là người Italy, sẽ cập cảng Limassol, vùng biển miền Nam Cyprus vào sáng 13/3.

Trước đó, tàu này đã ở trên biển suốt một tháng sau hành trình tới Ấn Độ và hướng đến Cyprus sau khi Israel từ chối cho cập cảng.

Ghi nhận đến sáng13/3, con số ca nhiễm trên toàn cầu kể từ khi COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc là 134.769 ca, 4.983 ca tử vong (thêm 8 ca mới, đều tại Vũ Hán), 70.387 ca đã bình phục.
 
Tại Việt Nam, số ca bệnh COVID-19 là 44 người, không có ca tử vong, trong đó có 16 ca đã chữa khỏi và ra viện, các ca đang được điều trị đều ghi nhận có diễn biến ổn định, không có ca nào nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục