Các bộ trưởng tài chính G20 tìm cách kiểm soát lạm phát hiệu quả

Trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng không chỉ đến giá thực phẩm và năng lượng, các bộ trưởng và giám đốc ngân hàng trung ương G20 muốn một hành động quốc tế phối hợp để tránh suy thoái kinh tế.
Các bộ trưởng tài chính G20 tìm cách kiểm soát lạm phát hiệu quả ảnh 1Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra tại Bali, Indonesia. (Nguồn: atalayar)

Ngày 15/7, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Bali (Indonesia) nhằm tìm cách kiềm chế lạm phát toàn cầu mà không làm cản trở đà phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng không chỉ đến giá thực phẩm và năng lượng, các bộ trưởng và giám đốc ngân hàng trung ương G20 muốn một hành động quốc tế phối hợp để tránh suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, chưa thể dự báo khả năng đạt đồng thuận về một tuyên bố chung trong cuộc họp vì các nước thành viên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về quan điểm liên quan đến xung đột tại Ukraine. Trước đó, một cuộc họp tương tự hồi tháng 4 đã không ra được tuyên bố chung nào.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cảnh báo nếu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt đồng thuận có thể là thảm họa đối với các nước thu nhập thấp, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt và trở nên trầm trọng hơn. Bà Sri Mulyani khẳng định Indonesia sẽ là một nhà môi giới trung thực và tìm ra các giải pháp sáng tạo để vượt qua "3 mối đe dọa" là giá hàng hóa tăng cao, lạm phát toàn cầu và chiến tranh.

[Thị trường dầu châu Á thận trọng chờ số liệu lạm phát của Mỹ]

Các vấn đề khác trong chương trình nghị sự gồm ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như việc giảm nợ cho các quốc gia nghèo bao gồm Sri Lanka, nơi đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất.

Trước cuộc họp tại Bali, Quỹ Tiền tệ quốc tế  (IMF) đã công bố một báo cáo có tên là "Lưu ý giám sát G20", trong đó cảnh báo "triển vọng kinh tế toàn cầu đã tối đi đáng kể, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao."

Tháng 4 vừa qua, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,6% cho năm 2022 và 2023, phản ánh tác động tiêu cực của xung đột tại Ukraine và việc kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát COVID-19 hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục