Các bộ trưởng tài chính Eurozone xem xét giảm nợ cho Hy Lạp

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos khẳng định không có lý do gì để các chủ nợ của nước này là EU và IMF trì hoãn giảm nợ và các khoản cho vay bởi Athens đã hoàn tất nghĩa vụ đúng hạn.
Các bộ trưởng tài chính Eurozone xem xét giảm nợ cho Hy Lạp ảnh 1Ủy viên EU phụ trách kinh tế và tài chính Pierre Moscovici (phải) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (trái). (Nguồn: EPA/TTXVN)

Dưới áp lực từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) dự kiến trong ngày 22/5 sẽ xem xét miễn giảm nợ và cung cấp những trợ giúp mới cho Hy Lạp, bất chấp sự “dè dặt” của Berlin.

Bộ trưởng Tài chính của các nước thuộc Eurozone sẽ phải đối mặt với chủ đề "nhạy cảm" này trong các cuộc đàm phán ở Brussels, sau khi Quốc hội Hy Lạp trước đó đã thông qua gói thắt chặt chi tiêu mới mà Athens hy vọng sẽ đảm bảo một cam kết giảm nợ và cung cấp các khoản vay mới từ các chủ nợ Liên minh châu Âu (EU) và IMF trong tháng này.

Gói biện pháp thắt chặt chi tiêu có giá trị lên tới 4,9 tỷ euro (5,49 tỷ USD), bao gồm các khoản cắt giảm lương hưu và tăng thuế trong giai đoạn 2018-2021.

Với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos khẳng định không có lý do gì để các chủ nợ của nước này là EU và IMF trì hoãn giảm nợ và các khoản cho vay bởi Athens đã hoàn tất nghĩa vụ đúng hạn.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề "đặc biệt nhạy cảm" đối với Đức, nơi mà việc miễn giảm nợ hơn nữa cho Hy Lạp được cho là một yếu tố gây “mất điểm” trong giai đoạn nước rút hướng tới cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng Chín tới.

[Hy Lạp kêu gọi các chủ nợ thực hiện cam kết trì hoãn giảm nợ]

Trong khi đó, với IMF, việc châu Âu miễn giảm nợ cho Hy Lạp lại là điều kiện để tổ chức này tham gia vào gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) dành cho Athens.

Chính vì vậy, cuộc thảo luận trên (dự kiến diễn ra vào 20 giờ ngày 22/5 giờ Việt Nam) được một nhà ngoại giao EU dự đoán sẽ “khá khó khăn và kéo dài.”

Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp sẽ không được giải ngân một khoản cho vay mới nào, trong khi nước này đang cần các khoản tín dụng mới để có thể trả khoản nợ 7,3 tỷ euro đáo hạn trong tháng Bảy tới.

Trong trường hợp này, Athens có thể vỡ nợ, một khởi đầu tồi tệ khi nước này đang muốn quay trở lại thị trường tài chính vào năm tới khi gói cứu trợ thứ ba kết thúc vào giữa năm 2018.

Trong một phát biểu ngày 21/5, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố ủng hộ giảm nợ cho Hy Lạp như cam kết.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng Athens đã tiến hành những cải cách phù hợp và các bên cần phải “giữ lời hứa” giảm nợ cho Hy Lạp.

Tuyên bố này của ông Gabriel được cho là trái ngược với phát biểu trước đó của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khi từ chối giảm nợ cho Hy Lạp.

Hồi tháng Ba vừa qua, người đứng đầu ngành tài chính Đức cho rằng vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự.

Theo ông, trước hết cần phải hoàn tất chương trình cứu trợ hiện nay rồi mới thảo luận các bước tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục