Các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cần nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những "cơn gió ngược."
Nội dung này được đưa ra trong tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC với chủ đề hướng tới tương lai số hóa diễn ra tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea ngày 17/10.
Theo tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính cảnh báo những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu gia tăng trong 6 tháng qua. Những rủi ro này bao gồm căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, mức nợ công cao, những lỗ hổng về tài chính, bất bình đẳng và tăng trưởng yếu kém.
[WTO: Hàng triệu người lao động sẽ mất việc vì chiến tranh thương mại]
Trong bối cảnh tăng tưởng toàn cầu ngày càng trở nên “mất cân đối,” các bộ trưởng tài chính APEC đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện.
Tuyên bố chung nêu rõ các nền kinh tế APEC cần thúc đẩy các chính sách và cải cách giúp nâng cao năng suất và tiềm năng tăng trưởng, từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hiện nay và nâng cao triển vọng tăng trưởng trung hạn.
Tuyên bố nhấn mạnh tài chính toàn diện là yếu tố then chốt trong phát triển và tăng trưởng bao trùm.
Tuyên bố cũng cho rằng việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng suất, tính cạnh tranh, sự kết nối, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.
Các bộ trưởng tài chính APEC đề xuất tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nên là một ưu tiên của châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực này đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng gia tăng có thể được đáp ứng bằng cách đa dạng hóa các nguồn tài chính dài hạn sẵn có và thu hút sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.
Bên cạnh đó, hội nghị trên cũng tìm cách thức tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và giảm thuế quan, đồng thời giải quyết những vấn đề bảo hiểm và hỗ trợ tài chính nhằm giảm rủi ro do thiên tai./.