Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại thủ đô Brussels trong hai ngày 7-8/6 sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng về cơ cấu chỉ huy của NATO, các tiến bộ liên quan đến khả năng tăng chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng chi phí, cũng như thảo luận về hợp tác NATO-Liên minh châu Âu (EU).
Về cơ cấu chỉ huy, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo rằng việc tăng cường cơ cấu này, với hơn 1.200 nhân viên bổ sung, cần được phê duyệt.
Cuộc họp cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết thành lập hai trung tâm chỉ huy mới, gồm một trung tâm bảo vệ các tuyến giao thông trên Đại Tây Dương, có trụ sở tại Norfolk, bang Virginia của Mỹ và một trung tâm điều phối di chuyển quân tại châu Âu được đặt tại thành phố Ulm, miền Nam nước Đức.
Nhận thấy mức độ sẵn sàng cao là điều cần thiết trong một thế giới đang biến động khó lường, phát biểu tại cuộc họp báo trước hội nghị, ông Stoltenberg tuyên bố các bộ trưởng sẽ chấp thuận sáng kiến về sẵn sàng hành động của NATO với tên gọi "4x30," theo đó, đến năm 2020, các đồng minh sẽ có 30 tiểu đoàn cơ giới hóa, 30 phi đội và 30 tàu chiến sẵn sàng triển khai trong thời gian 30 ngày hoặc ít hơn.
[NATO nêu lý do từ chối kết nạp Qatar gia nhập liên minh quân sự]
Mục tiêu không phải là xây dựng hoặc triển khai các lực lượng mới mà chủ yếu nhằm vào việc tăng cường khả năng sẵn sàng hoạt động của các lực lượng hiện có.
Chủ đề chia sẻ gánh nặng tài chính và chi tiêu quốc phòng cũng sẽ nằm trong số các nội dung quan trọng của chương trình nghị sự. Tổng thư ký NATO cho biết tất cả các nước đồng minh đã bắt đầu tăng chi tiêu quốc phòng.
Liên quan tới vấn đề đầu tư cho quốc phòng, ông đề cập đến "mối quan tâm về sự công bằng" và "an ninh trong một thế giới không thể đoán trước."
Trong một phiên họp với nội dung bàn về cuộc chiến chống khủng bố, các Bộ trưởng quốc phòng thuộc NATO sẽ thảo luận về nhiệm vụ đào tạo ở Iraq, dự kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Bảy tới.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi quan điểm về chương trình hỗ trợ cho Jordan để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, thảo luận về cách thức mà NATO có thể trợ giúp cho Tunisia và sứ mệnh hỗ trợ đào tạo các lực lượng tại Afghanistan.
Ngày 8/6, các Bộ trưởng quốc phòng sẽ thảo luận về quan hệ hợp tác NATO-EU với Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cùng các đồng nghiệp Phần Lan và Thụy Điển./.