Các bộ, ngành phải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Nếu mình không đầu tư phát triển mình thất bại, mình sẽ thua cuộc ngay trên sân nhà."
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 16/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ quan hệ hợp tác giữa Ủy ban với các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty là một nguyên nhân chậm trễ, "còn tình trạng quyền anh quyền tôi" hay ít hợp tác giữa quản lý ngành và Ủy ban.

Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong đó có tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, thu ngân sách Trung ương cao; quản lý lực lượng lao động lớn; cung cấp những sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá, dù thời gian thành lập mới hơn một năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phấn đấu quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019. Doanh thu, lợi nhuận tăng lên, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.

Các lĩnh vực điện, than, dầu khí, hóa chất, hàng không... đều là những lĩnh vực thiết yếu, quan trọng, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế xã hội. Các tập đoàn, tổng công ty cũng đã triển khai những nhiệm vụ, dự án đầu tư cấp bách; phối hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng đã tạo thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp nhận 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương và đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục, xử lý.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu những tồn tại của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thời gian qua, như còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty; chậm cổ phần hóa thoái vốn; chậm phê duyệt báo cáo đánh giá tài chính.

Còn một số tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước. Còn những đơn vị thua lỗ kéo dài mà trong đó có nguyên nhân chủ quan.

Việc sắp xếp lại nhà đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm. Cán bộ tập đoàn chậm củng cố, chậm mạnh dạn thay đổi cán bộ yếu kém về năng lực. Một số cán bộ chưa bám thực tiễn nên giải quyết nhiệm vụ chưa thuyết phục, gây chậm trễ thời gian dài. Chất lượng thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp.

Đặc biệt, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá tất cả các tập đoàn, tổng công ty không đạt kế hoạch đầu tư phát triển. Một số dự án trọng điểm chậm tiến độ trong bối cảnh giải ngân FDI năm nay đạt trên 20 tỷ USD; thành lập mới 140 nghìn doanh nghiệp tư nhân với số vốn bình quân 12 tỷ đồng.

"Nếu mình không đầu tư phát triển mình thất bại, mình sẽ thua cuộc ngay trên sân nhà," Thủ tướng nói.

Đề nghị đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp này, Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, bởi hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty sẽ góp phần tăng phần đóng góp ngân sách tại chính các địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước báo cáo Thủ tướng những bộ, ngành chậm hoặc không phối hợp triển khai nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty phải đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, phục vụ, không phải là mệnh lệnh hành chính, quan liêu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhấn mạnh, năm 2020 là năm quan trọng đối với đất nước, nhiều sự kiện, nhiệm vụ lớn phải thực hiện, song cũng nhiều thách thức đặt ra, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải đổi mới tư duy, tập trung khắc phục hạn chế yếu kém, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện cơ cấu lại và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước với nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, huy động sử dụng các nguồn lực xã hội, tiếp tục đưa doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt, lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Hoạt động của Ủy ban phải gắn liền với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về mọi mặt. Các tập đoàn, tổng công ty cũng phải nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật đưa ra.

Nhất trí với các giải pháp mà Ủy ban đưa ra trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty cần quán triệt các thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Trong đó có vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ủy ban cần rà soát hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, phân định rõ chức năng với các bộ ngành và cơ chế phối hợp. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những công việc của các tập đoàn, tổng công ty mà Ủy ban đã nhận chuyển tiếp từ các Bộ.

Trong đó có những vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; việc quyết toán cổ phần hóa một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí.

Đặc biệt, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương, nhất là trong năm 2020 này; trình kế hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, sau hơn 1 năm hoạt động, Ủy ban đã ổn định bộ máy tổ chức, quan hệ công tác giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty dần đi vào nề nếp. Theo đó, đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019 của 19/19 tập đoàn, tổng công ty; phê duyệt Báo cáo giám sát  tài chính năm 2018 của 9 tập đoàn, tổng công ty...

Đến thời điểm này, Ủy ban đã thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty để ngay trong quý 1 này có thể phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của các đơn vị.

Năm qua, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan nhà nước xử lý các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư phát triển của các doanh nghiệp, góp phần đưa vào vận hành nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó trên 4.000 MW điện Mặt Trời; phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tiến hành sắp xếp lại, xử lý nhà đất trong các tập đoàn, tổng công ty theo quy định; xây dựng phương án sử dụng đất trước khi tiến hành cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước, năm qua, đa số các đơn vị này đã hoàn thành các chỉ tiêu do Ủy ban giao; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của lao động tăng lên.

Trong đó, doanh thu hợp nhất của cả 19 tập đoàn, tổng côn gty đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 6,4% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm. Nộp ngân sách hợp nhất trên 221.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục