Chiều 30/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện số 12/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra; các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thông tin Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Công thương về việc kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh vừa qua và chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Công điện nêu rõ, theo tin cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ tối 30/7 tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có một đợt mưa to đến rất to; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở khu vực miền núi; vùng đồng bằng, vùng thấp, đô thị có khả năng xảy ra ngập úng. Trên hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 2 đến 3. Trên Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Cấp độ rủi ro từ 2 đến 3.
Đây là đợt mưa lũ dự báo có cường độ lớn, kéo dài, xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp. Để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh vừa qua và chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo tại các công điện số 1192/CĐ-TTg, 1199/CĐ-TTg ngày 28/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 11/CĐ-TW ngày 28/7/2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống nhân dân, đưa khách du lịch về bờ an toàn; tìm kiếm người mất tích trên biển.
Kiên quyết di dời dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại công nhân ven sườn núi, vùng ven sông, suối; có biện pháp cảnh báo và hướng dẫn giao thông qua các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối, bến đò ngang. Bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành các hồ chứa, chủ động xả nước đón lũ đối với các hồ chứa vừa và lớn, tăng cường kiểm tra các hệ thống đê điều.
Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn các khu vực hầm, mỏ, khai khác khoáng sản; cử chuyên gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đánh giá nguy cơ vỡ đập xỉ than 790 của Công ty than Cọc Sáu, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả và những khu vực chứa xỉ than, chất thải hầm lò có nguy cơ khác.
Các Bộ Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án khôi phục, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; bố trí sẵn lực lượng tại những khu vực có thể bị chia cắt.
Các tỉnh, thành phố ven biển thông báo kịp thời diễn biến sóng, gió cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ biết để chủ động phòng, tránh.
Các địa phương chỉ đạo, chuẩn bị, bố trí sẵn lực lượng và phương tiện cứu hộ theo hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao.
Tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Ngày 30/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh tới kiểm tra thực tế công tác tiêu nước tại một số cống trọng yếu thuộc huyện Thái Thụy và công tác phòng chống ngập úng tại vùng sản xuất chuyên canh lúa với diện tích lớn tại huyện Đông Hưng.
Hoạt động này nhằm chủ động phòng chống tình trạng ngập úng khi mưa lớn xảy ra làm ảnh hưởng tới lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh, được dự báo sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Sau quá trình thực tế tại thực địa, kiểm tra tại các địa phương, ông Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các địa phương phải tăng cường rà soát, kiểm tra; chủ động, khẩn trương rút hết nước mặt ruộng và hệ thống sông trục cấp 3 trong thời gian sớm nhất để ứng phó với tình hình mưa lớn bất thường có thể xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cũng lưu ý các địa phương cần có phương án và triển khai ngay việc vớt bèo trên các sông, khơi thông dòng chảy, tránh tình trạng các dòng sông bị tắc nghẽn, phòng chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho toàn bộ diện tích lúa mùa.
Trong những ngày qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã chủ động tiêu nước, hạ thấp mực nước trên các sông trục để dự phòng lũ, lụt. Đến nay, các sông trục được tiêu cạn, nhưng tại nhiều dịa phương, mực nước trên mặt ruộng và các trục sông cấp III do các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý còn ở mức cao. Khi mưa lớn có thể gây ngập úng, ảnh hưởng đến diện tích lúa mùa năm 2015 của địa phương.
Trước đó, để ứng phó với tình hình mưa, lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành Điện khẩn số 09/CĐ-CLB (ngày 28/7) yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước đô thị, tiêu úng ở các vùng trũng, thấp và có biện pháp chống ngập úng; chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa và hoa màu.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần kiểm tra hiện trạng hệ thống đê, kè, cống, công trình phòng chống lụt bão xung yếu, sẵn sàng phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.
Cơ quan này cũng yêu cầu thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh vừa kết thúc đợt gieo cấy với gần 81.000ha lúa mùa, trong đó có trên 22.000ha lúa gieo thẳng. Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đánh giá toàn bộ số diện tích lúa mùa này hiện đang trong thời kỳ chống chịu ngập úng rất kém./.