Trang VIF đăng bài viết của nhà nghiên cứu kinh tế cao cấp Ấn Độ Rahul Choudhury về "các biện pháp trừng phạt Nga và tác động đối với nền kinh tế Ấn Độ".
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga cả về mặt ngoại giao và kinh tế.
Cuộc xung đột cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia liên quan cũng như những nước có bất kỳ giao dịch kinh tế nào với họ. Do Ấn Độ có quan hệ kinh tế lâu đời với Nga, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, bài viết này nhằm mục đích xem xét cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Ấn Độ.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế
Để cô lập nền kinh tế của Nga, Mỹ và EU đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt, với hai dạng khác nhau. Đầu tiên, Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh cấm mua bán hàng hóa và dịch vụ của Nga.
Thứ hai, không cho phép Nga tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. EU và Mỹ đã quyết định cấm một số ngân hàng Nga truy cập vào hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Việc bị loại khỏi mạng lưới SWIFT khiến Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của mình.
Mỹ và các đồng minh, Liên minh Châu Âu (EU), New Zealand, Nhật Bản và Singapore đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của Nga và các quỹ tài sản quốc gia, dường như đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài.
[Kinh tế Ấn Độ chịu thiệt hại lớn hơn so với ước tính do COVID-19]
Đi trước một bước, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã đóng băng dự trữ ngoại hối và vàng trong lãnh thổ của họ do các tổ chức của Nga nắm giữ. Điều này làm tê liệt khoảng 50% trong tổng số 630 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng của Ngân hàng trung ương Nga.
Lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các mỏ dầu và xuất khẩu quân sự của Nga. EU và một số quốc gia khác đã đóng cửa không phận đối với tất cả các máy bay thuộc sở hữu của Nga, do Nga đăng ký hoặc do Nga kiểm soát.
EU cũng cấm các hãng truyền thông nhà nước Russia Today và Sputnik, cũng như các công ty con của họ. Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga sẽ kéo theo những chi phí kinh tế và ngoại giao chưa từng có, mở đường cho việc cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và cộng đồng quốc tế.
Tác động đối với kinh tế Ấn Độ
Căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine có khả năng tác động không nhỏ đến nền kinh tế Ấn Độ do Nga và Ukraine cung cấp cho nước này khối lượng đáng kể các mặt hàng quan trọng như hàng hóa quốc phòng, dầu thô, dầu hướng dương, phân bón và một số khoáng sản khác.
Nga đã và đang là một đối tác quân sự chiến lược đối với Ấn Độ, chủ yếu vì Ấn Độ được cung cấp một phần đáng kể công nghệ và khí tài quân sự từ Nga. Nga đã là đối tác quốc phòng của Ấn Độ trong một thời gian dài và Ấn Độ nhập khẩu phần lớn nguồn cung cấp quốc phòng từ Nga.
Dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 50% vũ khí từ Nga trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Rất gần đây tháng 12/2021, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga, Ấn Độ đã ký 28 thỏa thuận khác nhau với Nga.
Thỏa thuận bao gồm việc sản xuất súng trường tấn công của Nga cho Quân đội Ấn Độ. Trở lại năm 2018, Ấn Độ đồng ý mua tên lửa đất đối không S-400 và cũng đã nhận được lô hàng đầu tiên vào năm ngoái.
Thỏa thuận hợp tác sản xuất 200 máy bay trực thăng hạng nhẹ Kamov 226T giữa hai quốc gia này cũng đang được tiến hành. Tất cả những hoạt động này đều dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Có khả năng là lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ từ Nga.
Kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ và Nga đạt 11,9 tỷ USD năm 2021. Ấn Độ đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 3,3 tỷ USD, chủ yếu bao gồm các sản phẩm dược phẩm trị giá 542 triệu USD.
Ngoài ra, Ấn Độ còn xuất khẩu các mặt hàng khác như sắt thép, đá quý và hàng điện tử trang sức, chè và phụ tùng xe sang Nga với khối lượng đáng kể. Nhập khẩu từ Nga đạt 8,6 tỷ USD trong năm 2021, bao gồm dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ, vàng, đá quý và kim loại, than đá và phân bón.
Tình trạng bất ổn nào tại một thị trường như Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà xuất khẩu Ấn Độ, những người vốn đang phải vật lộn với nhu cầu thấp do bùng phát COVID-19 trên toàn cầu.
Để đa dạng hóa việc nhập khẩu than luyện cốc, Ấn Độ và Nga đã ký một Biên bản ghi nhớ tháng 10/2021 về khai thác và thép, tập trung vào than luyện cốc. Việc mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga, có thể sẽ dẫn đến những trở ngại cho các nguồn cung cấp này.
Điều quan trọng là Nga và Ukraine cùng nhau đáp ứng khoảng 90% tổng nhu cầu dầu hướng dương của Ấn Độ và bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá dầu ăn trên thị trường Ấn Độ. Thương mại song phương của Ấn Độ với Ukraine vào năm 2021, đạt 3,1 tỷ USD.
Ấn Độ xuất khẩu các mặt hàng trị giá 510 triệu USD. Các sản phẩm dược phẩm chiếm hầu hết trong giỏ hàng xuất khẩu của Ấn Độ ở mức 32%, trong khi các mặt hàng khác được vận chuyển đến Ukraine là nông dược, sắt thép, dụng cụ viễn thông và càphê.
Nhập khẩu của Ấn Độ từ Ukraine được trị giá 2,6 tỷ USD vào năm 2021, trong đó 1,85 tỷ USD chủ yếu bao gồm dầu hướng dương.
Mua sắm các mặt hàng này từ các nguồn khác sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và áp lực lạm phát lên nền kinh tế Ấn Độ và làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Ấn Độ khi họ xuất khẩu một số mặt hàng sang cả hai nền kinh tế.
Cùng với thương mại, Ấn Độ cũng dành sự quan tâm đầu tư rất lớn vào Nga. Các công ty năng lượng quốc doanh của Ấn Độ đã đầu tư rất lớn vào các lô dầu khí của Nga. Các công ty Ấn Độ như Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC), Oil India Ltd (OIL), ONGC Videsh Ltd (OVL), và Bharat Petro Resources Ltd (BPRL) ước tính đã đầu tư khoảng 13,6 tỷ USD vào các dự án dầu khí của Nga. Giá cổ phiếu của các công ty này niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc gia đã giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Trong trường hợp bị trừng phạt tài chính, Ngân hàng trung ương của Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ chỉ thị nào liên quan đến giao dịch với các ngân hàng Nga.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters đưa tin rằng một trong những ngân hàng lớn nhất của Ấn Độ, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI), đã quyết định ngừng xử lý bất kỳ giao dịch nào liên quan đến các tổ chức tài chính Nga như một phản ứng đối với các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên họ.
Đáng chú ý, Ấn Độ có thể né tránh các lệnh trừng phạt đối với tổ chức tài chính Nga bằng cách mở rộng hiệp ước thương mại bằng đồng rupee-ruble hiện có.
Hai quốc gia cũng đã đồng ý thực hiện khoản thanh toán dạng này cho các dự án hợp tác quốc phòng của Ấn Độ, và phương thức này có thể được mở rộng sang các mặt hàng khác. Thỏa thuận thương mại này có thể được sử dụng để chuyển các khoản thanh toán của các thực thể khác tới các doanh nghiệp Nga.
Trước đó, Ấn Độ cũng đã sử dụng chiến thuật tương tự để lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran liên quan đến nhập khẩu dầu. Tuy nhiên, đây chỉ là ý tưởng, và việc bất chấp lệnh trừng phạt của các nước phương Tây có thể gây rủi ro cho việc tiếp cận thị trường của chính Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ chắc chắn sẽ áp dụng một cách tiếp cận cân bằng./.