Các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ không còn là "công cụ vô cảm"?

Trừng phạt vẫn là một công cụ thiết yếu mà Hội đồng Bảo an có thể sử dụng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc nhằm đảm bảo duy trì an ninh và hòa bình quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ không còn là "công cụ vô cảm"? ảnh 1Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Afghanistan tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không còn là "công cụ vô cảm" như trước đây.

Kể từ những năm 1990, các biện pháp trừng phạt đã trở thành "công cụ quan trọng" giúp giảm thiểu những hệ quả tiêu cực đối với dân thường và những nhà nước thứ ba vốn không trực tiếp liên quan.

Đây là thông điệp chính mà Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình, bà Rosemary A. DiCarlo, đã phát đi tại một cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an diễn ra hôm 7/2 vừa qua, với trọng tâm là đánh giá về những hậu quả không mong muốn mà các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt đối với các nhà nước, thực thể và cá nhân, đặc biệt xét trong bối cảnh nhân đạo.

Theo quan chức này, trừng phạt vẫn là một công cụ thiết yếu mà Hội đồng Bảo an có thể sử dụng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc nhằm đảm bảo duy trì an ninh và hòa bình quốc tế.

Như cuộc họp trước đó của Hội đồng Bảo an đã nhấn mạnh về vấn đề này, trừng phạt không phải là biện pháp duy nhất để đạt được mục tiêu này mà cần được tích hợp trong một chiến lược chính trị tổng thể. Nói cách khác, các biện pháp trừng phạt sẽ phát huy tác dụng nếu được kết hợp với các biện pháp đối thoại chính trị, trung gian hòa giải cùng với các sứ mệnh duy trì hòa bình và các sứ mệnh chính trị đặc biệt khác.

Hiện nay, Hội đồng Bảo an đang triển khai 14 cơ chế trừng phạt. Những cơ chế này giúp hỗ trợ giải quyết xung đột ở Libya, Mali, Nam Sudan và Yemen đồng thời giúp ngăn chặn những thay đổi mang tính vi hiến của chính phủ Guinea-Bissau, một quốc gia ở Tây Phi.

[Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về việc Triều Tiên thử tên lửa]

Ngoài ra, các công cụ trừng phạt này giúp ngăn chặn các hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa khủng bố.

Những đòn trừng phạt của Liên hợp quốc không còn là "công cụ vô cảm" như trước kia. Kể từ những năm 1990, đã có những thay đổi đáng kể trong quá trình triển khai thực hiện các đòn trừng phạt nhằm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể gây ra đối với dân thường và các nước thứ ba.

Trong những thay đổi này phải kể đến các biện pháp miễn trừ trừng phạt đối với lĩnh vực nhân đạo và một số hình thức miễn trừ khác.

Đối với các lệnh cấm vận vũ khí, các biện pháp miễn trừ thường được áp dụng đối với việc nhập khẩu thiết bị không gây sát thương và đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ hoạt động của lực lượng viện trợ nhân đạo tại các khu vực xung đột.

Đối với các lệnh cấm đi lại, các biện pháp miễn trừ thường được áp dụng với những trường hợp đi lại vì lý do y tế hoặc tôn giáo hoặc để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong khi đó, các biện pháp miễn trừ "đóng băng" tài sản cho phép các hoạt động thanh toán đối với lương thực, nhu yếu phẩm hoặc thuốc men được diễn ra.

Những ví dụ về các biện pháp miễn áp dụng trừng phạt vì lý do nhân đạo nói trên có thể thấy ở Somalia, Afghanistan, Libya, Yemen và Triều Tiên. Cụ thể, ủy ban 1718 chuyên giám sát triển khai các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng đã chấp thuận 85 trong số 100 yêu cầu miễn trừng phạt mà ủy ban này nhận được từ Triều Tiên hồi năm 2017.

Trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an và các ủy ban theo dõi việc triển khai các lệnh trừng phạt tăng cường thu thập những thông tin nguồn về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với dân thường và nước thứ ba.

Việc thu thập thông tin này có thể thông qua các buổi họp thường xuyên do Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc tiến hành hoặc do các đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách về trẻ em, xung đột vũ trang và bạo lực tình dục liên quan đến xung đột cung cấp. Ngoài ra, chủ tịch của các ủy ban này có thể đến trực tiếp các nước bị trừng phạt để tìm hiểu tình hình.

Dựa trên tình hình thực tế cũng như những tác động đối với dân thường, các ủy ban sẽ thường xuyên sửa đổi các lệnh trừng phạt. Ví dụ, trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an đã chấm dứt các đòn trừng phạt đối với Eritrea và thu hẹp đáng kể quy mô lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Đông Phi này.

Điều đáng lưu ý là trong vòng một thập kỷ qua, chỉ có một quốc gia duy nhất báo cáo về tình trạng nước này phải đối mặt với "những vấn đề kinh tế nghiêm trọng" do các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc gây ra.

Sức mạnh của trừng phạt

Trong một thập kỷ qua, các lệnh trừng phạt dường như hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn hoạt động tuồn vũ khí hoặc cung cấp khí tài cho các nhóm vũ trang ở những khu vực xung đột.

Phần lớn các lệnh trừng phạt nhằm tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột hiện bao gồm việc đưa một thực thể hoặc cá nhân vào danh sách chịu trừng phạt hoặc đưa ra các tiêu chí nhằm duy trì luật nhân quyền quốc tế hoặc luật nhân đạo quốc tế.

Các biện pháp này đã đóng vai trò như một đòn bẩy, góp phần đem lại những tác động tích cực cho những người yếu thế. Điều quan trọng là Hội đồng Bảo an hoặc các ủy ban đã liệt hơn 50 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến bạo lực tình dục liên quan đến xung đột, sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang, buôn bán người di cư bất hợp pháp, tấn công nhân viên nhân đạo và cản trở các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cùng với những tiêu chí khác liên quan đến luật nhân đạo.

Việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những hành vi nói trên là một bước đi tương đối mới của Hội đồng Bảo an và cần được hoan nghênh. Bước đi này cho thấy cam kết của Hội đồng Bảo an rằng những cá nhân và thực thể phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm và lạm dụng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Việc thay đổi từ áp dụng trừng phạt toàn diện đến áp dụng trừng phạt có mục tiêu đánh dấu sự thay đổi to lớn trong công tác hoạt động này của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số quan ngại về những hậu quả không mong muốn hoặc những tác động tiêu cực mà các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an gây ra.

Các chính sách giảm thiểu rủi ro và việc quá tuân thủ có lẽ là hai trong số những vấn đề khó khăn nhất mà các nhà hoạt động nhân đạo phải đối mặt. Những tổ chức tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ khác có thể áp đặt các điều kiện bổ sung, gia tăng chi phí của họ hoặc chỉ đơn thuần từ chối cung cấp những hàng hóa và dịch vụ được yêu cầu, do đó gây cản trở công tác triển khai hỗ trợ nhân đạo.

Có những khó khăn trong việc làm hồi sinh một hệ thống ngân hàng phục vụ công tác chuyển hàng nhân đạo đến Triều Tiên kể từ khi hệ thống này bị sụp đổ hồi năm 2017. Ngoài ra, những khó khăn này có thể trầm trọng hơn nữa khi các thực thể tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ khác có nghĩa vụ tuân thủ nhiều cơ chế trừng phạt cùng một lúc cũng như các quy định chống khủng bố và chống rửa tiền trên toàn cầu.

Khi nỗ lực tuân thủ cùng một lúc các biện pháp như vậy, những thực thể này đôi khi lại áp dụng "quá đà" so với những gì mà các cơ chế trừng phạt yêu cầu, thường đi ngược lại với cách hiểu của các nhà hoạt động nhân đạo. Vì vậy, Liên hợp quốc vẫn cần nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà các lệnh trừng phạt có thể gây ra.

Để làm được điều này, Hội đồng Bảo an cần tiếp tục áp dụng những điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc trong đó quy định các lệnh trừng phạt được áp dụng "không nhằm gây ra những hậu quả tiêu cực về nhân đạo đối với dân thường."

Bên cạnh đó, các nước có thể giảm thiểu hơn nữa gánh nặng của việc tuân thủ các lệnh trừng phạt quá với mức yêu cầu bằng cách duy trì luật lệ trong nước theo thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhất đối với Hội đồng Bảo an.

Ngoài ra, việc các ủy ban giám sát trừng phạt tiếp tục hoạt động thu thập thông tin về tác động của trừng phạt đối với dân thường đóng vai trò thiết yếu. Việc tăng cường phối hợp hoạt động giữa các lực lượng hoạt động nhân đạo và lĩnh vực tư nhân cũng có ý nghĩa đáng kể.

Vai trò của các thanh tra viên cũng cần tính đến. Khi kết hợp tất cả các biện pháp này, việc áp dụng các lệnh trừng phạt theo các thủ tục và quá trình minh bạch và công bằng đối với các thực thể và cá nhân bị trừng phạt sẽ trở thành một công cụ hiệu quả hơn rất nhiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục