Các biện pháp trừng phạt có giúp ông Trump "rảnh tay"?

Theo nhận định của Mạng tin eurasiareview.com, việc chính quyền Trump đơn phương rút khỏi một số thỏa thuận quốc tế có thể giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng "vướng bận" ở nhiều nơi trên thế giới.
Các biện pháp trừng phạt có giúp ông Trump "rảnh tay"? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Theo Mạng tin eurasiareview.com, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi và đơn phương rút khỏi một số thỏa thuận quốc tế mà các chính quyền tiền nhiệm đã ký kết với lý do điều này có thể giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng "vướng bận" ở nhiều nơi trên thế giới, qua đó tạo điều kiện để Washington "dồn sức nhiều hơn" vào việc tăng cường sức mạnh của mình.

Có ý kiến cho rằng những động thái và biện pháp công kích của Mỹ nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên thông qua chính sách trừng phạt sẽ đem lại hòa bình và ổn định ở Trung Đông cũng như bán đảo Triều Tiên bằng cách làm thay đổi cách hành xử mang tính thù địch của chính các quốc gia này theo những mục tiêu trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Những biện pháp này được coi là công cụ để chấm dứt tình trạng đối đầu kéo dài giữa Iran và Israel, sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Iran và Nga ở Syria cũng như sự can dự của Tehran trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Iraq và Liban, đồng thời mở ra thời kỳ hòa bình ở Trung Đông để giúp "giải phóng" binh sỹ và tài nguyên Mỹ khỏi khu vực đầy xung đột này.

Cũng đã có những phỏng đoán rằng việc gây sức ép đối với Nga và Iran có thể giúp Mỹ được giải thoát khỏi những vướng bận ở Ukraine và Afghanistan. Trong khi đó, chính sách của Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Triều Tiên (cho đến khi nước này tự giải giáp hạt nhân hoàn toàn) cũng là nhằm ngăn ngừa căng thẳng leo thang trên bán đảo này.

[Tổng thống Mỹ cắt khoản viện trợ 230 triệu USD mỗi năm cho Syria]

Việc chính quyền Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt mới bất chấp việc Tehran tuân thủ những nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có thể được xem là những nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép đối với Iran liên quan đến những mục tiêu chính sách rộng lớn và đầy tham vọng của Tehran mà nước này khó lòng từ bỏ.

Tương tự, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga cũng rất nhiều tham vọng và không nhằm vào mục tiêu cụ thể nào. Các mục tiêu chính sách của Mỹ bao trùm từ giải quyết vấn đề Ukraine đến việc đối phó cái gọi là "hoạt động xấu xa của Nga khắp thế giới" nhằm ngăn chặn Moskva can thiệp vào quá trình bầu cử.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây tuyên bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan vụ tấn công bằng chất độc thần kinh đối với cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ở Anh. Những biện pháp trừng phạt này đã "áp" vào Nga bất chấp thực tế là bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông sẽ cần đến "bàn tay" của Moskva và những biện pháp này cũng "đi ngược lại" sự ngưỡng mộ cá nhân của Trump đối với phẩm chất lãnh đạo của Putin.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra ở Singapore hôm 12/6 vừa qua được kỳ vọng tạo ra bước đột phá, mở ra nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bằng việc chấm dứt chính sách cô lập Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua (của Mỹ và các đồng minh) đồng thời hướng tới một tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo này.

Bình Nhưỡng cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua ở Singapore là động thái đầu tiên hướng tới hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và sẽ cần nhiều cuộc đối thoại như thế nữa. Trong khi đó, Mỹ lại kỳ vọng quá nhiều vào một cuộc gặp thượng đỉnh ban đầu trên mà không có hành động đáp lại "tương xứng" trước các động thái phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye, đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đồng thời trao trả các công dân Mỹ đang chịu án tù ở Triều Tiên.

Chính quyền Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh đến việc cần có một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950) và những đảm bảo an ninh từ Washington để có thể ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ nhằm vào Triều Tiên trong tương lai.

Mặc dù Nga và Trung Quốc muốn chứng kiến một Triều Tiên không vũ hạt nhân để duy trì hòa bình và thương mại với khu vực nhưng Moskva và Bắc Kinh đều coi những biện pháp cứng rắn đó của Washington là những nỗ lực thu hẹp ảnh hưởng của những mối đe dọa tiềm tàng đồng thời tăng cường ảnh hưởng của Washington.

Trong khi Nga và Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên sụp đổ vì các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn đầu, thì Iran đã tỏ ra hoài nghi và lên án động thái của Mỹ ngay từ đầu, đồng thời cảnh báo Triều Tiên không nên đặt niềm tin vào Tổng thống Mỹ-người có thể hủy bỏ bất cứ thỏa thuận nào chỉ trong vài giờ. Việc Mỹ gia tăng sức ép đối với Triều Tiên mà không cân nhắc đến những nỗ lực nhằm đạt được can dự sâu rộng hơn với quốc gia bị cô lập này sẽ chỉ dẫn đến sự mất lòng tin lẫn nhau và có thể buộc Bình Nhưỡng tìm kiếm sự trợ giúp từ các quốc gia khác vốn cũng đang có những mối lo ngại tương tự về sự bá quyền của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran là đơn phương và không được các bên liên quan (tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran) ủng hộ, và những lệnh trừng phạt đầy tham vọng này với nhiều mục tiêu khác nhau có thể sẽ không đạt được kết quả nào. Iran có thể vẫn duy trì được mối quan hệ thương mại với các quốc gia châu Âu đồng thời còn có thể mở rộng trao đổi thương mại với các quốc gia khác để giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga và Iran không chỉ hợp tác ở Syria để giúp củng cố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad mà trên thực tế Moskva lâu nay còn hỗ trợ Tehran phát triển chương trình tên lửa và lên tiếng bảo vệ các tham vọng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Do hầu hết các lệnh trừng phạt của Chính quyền Trump là "bất bình thường" nên rất khó có thể thuyết phục các nước khác ủng hộ và tham gia. Điều này giúp các nước bị trừng phạt có thể "né" được hậu quả của đòn trừng phạt.

Những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga (liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang) cũng được coi là đơn phương, nhiều tham vọng và thể hiện rõ bản chất lạ lùng của các đòn phản công của chính quyền này, để rồi kết cục sẽ chỉ góp phần tăng cường khả năng hình thành trục quan hệ Nga-Iran-Triều Tiên, đồng thời khiến Mỹ ngày càng thêm vướng bận ở Syria, Iraq, Ukraine và Afghanistan. Iran và Nga được cho là đã hỗ trợ cho nhóm Taliban ở Afghanistan về công tác huấn luyện, vũ khí và tin tình báo để giảm bớt những ảnh hưởng của Mỹ đối với quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông dường như ngày càng vượt xa Mỹ, thể hiện ở thực tế là Moskva có khả năng duy trì vai trò chủ đạo ở Syria cũng như khả năng ngăn chặn đối đầu Iran-Israel. Thế nên, hành động lấn át của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp đem lại giải pháp nào cho tình thế vướng bận và "muốn rảnh tay" hiện nay của Washington. Thay vào đó, Mỹ sẽ bị "mắc cạn" hơn nữa khi gây ra thêm nhiều bất ổn ở Trung Đông và Bán đảo Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục