Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 22/3, Chính phủ Thái Lan đã kêu gọi người dân không có nguy cơ cao tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nên ngừng đi xét nghiệm, sau khi đã có 3 bệnh viện ở thủ đô Bangkok phàn nàn về tình trạng thiếu hụt dung dịch xét nghiệm.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat cho hay rất nhiều người đã yêu cầu được xét nghiệm tại cả các bệnh viện công lẫn bệnh viện tư, những nơi mà các nguồn lực đều đang khó khăn và thiếu dung dịch xét nghiệm.
Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực để tăng nguồn cung dung dịch xét nghiệm sau khi các bệnh viện Ramathibodi, Phyathai 2 và Paolo Kaset tuyên bố ngừng xét nghiệm vì không còn dung dịch trong kho.
Dự kiến Cục Y tế sẽ nhận một lô dung dịch xét nghiệm trong ngày 23/3 để phân phát cho các bệnh viện.
Bà Narumon cũng kêu gọi người dân không nằm trong các nhóm nguy cơ cao ở trong nhà vì việc xét nghiệm quá mức có thể dẫn tới kết quả âm tính sai do virus SARS-CoV-2 có thể mất tới 14 ngày mới thể hiện trong kết quả xét nghiệm.
Trong khi đó, Thái Lan đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 599 trường hợp.
Đây là số bệnh nhân tăng theo ngày cao nhất ở Thái Lan.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan Taweesin Wisanuyothin, phần lớn các ca nhiễm bệnh mới có liên quan đến các ổ dịch xuất phát từ một sàn thi đấu quyền anh Thái (Muay Thai) ở Bangkok.
Hiện, nhà chức trách y tế Thái Lan vẫn đang truy tìm khoảng 500 người từng đến các sàn thi đấu Muay Thai đầu tháng này do họ có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) Erick Thohir cho biết chính phủ nước này đã quyết định dùng thuốc chống sốt rét Chloroquine và thuốc chống cảm cúm Avigan để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
[Diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 21/3]
Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Thohir khẳng định quyết định nói trên là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm chữa trị cho những người dân mắc COVID-19, đồng thời cho biết hai loại thuốc này đã cho thấy “hiệu quả rõ ràng” khi được sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng BUMN cũng cho biết Công ty dược phẩm nhà nước PT Kimia Farma hiện có trong kho khoảng 3 triệu viên Chloroquine, đủ dùng cho ít nhất 60.000 bệnh nhân.
Công ty còn có thể sản xuất thêm nếu loại thuốc này cho thấy hiệu quả trong điều trị thực tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia cũng có thể đặt mua thuốc Avigan từ Nhật Bản nếu trong nước có nhu cầu.
Theo ông Thohir, hiện BUMN và Đại sứ quán Indonesia tại Tokyo đã đề nghị các nhà sản xuất Avigan ở Nhật Bản cung cấp loại thuốc này.
Tính đến ngày 21/3, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 450 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 38 ca tử vong do COVID-19.
Một ngày trước đó, chính quyền thủ đô Jakarta đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh trong hai tuần tới khi tỷ lệ tử vong tại quốc gia này leo lên mức cao nhất Đông Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, 46 công dân Malaysia cùng 9 người mang quốc tịch một số nước láng giềng (8 người Singapore và 1 người Indonesia) đã được hãng hàng không AirAsia đưa về sân bay quốc tế Kuala Lumpur sáng 22/3.
Đây là chuyến bay thứ ba của Malaysia nhằm thực hiện sứ mệnh Hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai sau sự bùng phát của dịch COVID-19.
Toàn bộ các hành khách trên chuyến bay đã phải thực hiện các thủ tục bắt buộc về y tế trước khi được đưa đến các khu cách ly trong 14 ngày theo quy định.
Để hạn chế việc tập trung đông người, từ ngày 21/3, cảnh sát Malaysia yêu cầu mỗi gia đình chỉ có một người được phép rời khỏi nhà để đi mua lương thực hay thuốc men.
Nhiều chốt chặn đã được lập ra trên các tuyến giao thông để thực hiện Mệnh lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) của Chính phủ Malaysia.
Theo ghi nhận, tất cả các trường hợp tham gia giao thông đều bị chặn xe kiểm tra, đo nhiệt độ và xác minh lý do đi ra ngoài.
Các biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hiện đã khiến 9 người tử vong và 1.183 người mắc bệnh./.