Ngày 13/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết các bên xung đột tại Yemen đã nhất trí một lệnh ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeidah đang tranh chấp bên bờ Biển Đỏ.
Theo ông Guterres, thỏa thuận cũng bao gồm việc triển khai các lực lượng trung lập và công tác thiết lập hành lang nhân đạo. Một khuôn khổ chính trị sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2019.
Đặc phái viên Liên hợp quốc Martin Griffiths cho biết các nhóm vũ trang sẽ rút khỏi cảng Hodeida "trong vài ngày tới" và việc rút quân này đã được hai bên xung đột nhất trí. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yemen Khaled al-Yamani ngay sau đó cho rằng thỏa thuận rút quân vẫn chỉ là "giả thuyết" chừng nào lực lượng của Houthi chưa rút khỏi thành phố cảng chiến lược trên.
Từ Dubai, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Anwar Gargash đã lập tức bày tỏ hoan nghênh, cho rằng đây là một thỏa thuận mang tính "khích lệ," một tiến bộ chính trị quan trọng và là một bước đột phá có ý nghĩa.
[Chính phủ Yemen muốn nắm quyền kiểm soát thành phố cảng Hodeidah]
Trước đó một ngày, các bên tham chiến tại Yemen đã nhất trí nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
Chính phủ Yemen và nhóm vũ trang Houthi đang tham gia vòng hoà đàm do Liên hợp quốc làm trung gian tại Thụy Điển, diễn ra từ ngày 6/12 và dự kiến kết thúc ngày 13/12. Vòng đàm phán này đánh dấu lấn đầu tiên Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi gặp nhau kể từ cuộc đàm phán năm 2016 nhằm kết thúc cuộc xung đột tại Yemen bị đổ vỡ.
Ngoài thành phố cảng Hodeida, các nhà trung gian cũng đang thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại một điểm nóng khác là thành phố Taiz, thành phố lớn thứ ba tại Yemen, để mở đường cho các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi.
Theo Liên hợp quốc, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen kể từ khi liên minh Arab can thiệp quân sự. Cuộc xung đột cũng đẩy Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với gần 14 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói./.