Các bên xung đột tại Nam Sudan ký thỏa thuận hòa bình

Trước sức ép của quốc tế, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar ngày 9/5 đã ký thỏa thuận ngừng bắn.
Binh sỹ Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan mừng chiến thắng sau khi giành lại quyền kiểm soát thành phố Malakal hồi tháng Ba. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước sức ép của quốc tế yêu cầu chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 5 tháng qua, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar ngày 9/5 đã ký thỏa thuận ngừng bắn.

Nhà trung gian Seyoum Mesfin thuộc Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) cho biết hai bên “đã đồng ý sẽ lập tức chấm dứt tất cả các hoạt động thù địch sau 24 giờ kể từ thời điểm ký kết thỏa thuận.”

Thỏa thuận cũng có chữ ký của Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn, người chủ trì cuộc đàm phán ở Addis Ababa.

Ngoài ra, Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập đã nhất trí rằng một chính phủ chuyển tiếp sẽ mang lại cơ hội tốt nhất cho người dân nước này, đồng thời cam kết tiến hành các cuộc bầu cử mới song không công bố thời điểm cụ thể.

Hai bên cũng đồng ý mở các hành lang nhân đạo và hợp tác với Liên hợp quốc để đảm bảo viện trợ đến được với hơn 5 triệu người dân có nhu cầu.

Thỏa thuận nói trên đạt được sau hàng loạt nỗ lực hòa giải cũng như cảnh báo của các nhà lãnh đạo quốc tế.

Cũng trong ngày 9/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hoan nghênh diễn biến này là "một đột phá cho tương lai của Nam Sudan." Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này hành động tức thời nhằm đảm bảo thỏa thuận được thực hiện hoàn toàn và các nhóm vũ trang ở cả hai phía tuân thủ triệt để.

Tuy nhiên, Ủy viên An ninh và hòa bình Liên minh châu Phi (AU) Smail Chergui cho rằng dù thỏa thuận đã được ký, song do cuộc khủng hoảng hiện tại, việc lập lại hòa bình ở Nam Sudan sẽ không dễ dàng. Trước đó, một lệnh ngừng bắn được ký kết giữa hai bên vào tháng Giêng vừa qua đã không được thực hiện.

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ trung tuần tháng 12/2013 sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với ông Riek Machar âm mưu đảo chính.

Xung đột nhanh chóng lan rộng khắp Nam Sudan khiến hàng nghìn người thiệt mạng, ít nhất 1,2 triệu người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy đất nước đến bờ vực thiếu đói tồi tệ nhất châu Phi kể từ những năm 1980 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục