Các bên đối địch tại Libya đề xuất một dự thảo ngừng bắn

Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc (UNSMIL) khẳng định sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện lệnh ngừng bắn cùng với một ủy ban quân sự bao gồm các thành viên thuộc cả hai phe tham chiến tại Libya.
Các bên đối địch tại Libya đề xuất một dự thảo ngừng bắn ảnh 1Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/2, Liên hợp quốc thông báo các bên đối địch tại Libya đã đề xuất một dự thảo thỏa thuận ngừng bắn, trong đó Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò giám sát việc đưa người dân trở về quê nhà an toàn.

Trong một tuyên bố, Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc (UNSMIL) tại Libya nêu rõ đã cùng với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và Quân đội miền Đông Libya (LNA) chuẩn bị một dự thảo ngừng bắn, trong đó thúc đẩy công tác hồi hương an toàn cho người dân thông qua việc thực thi một cơ chế giám sát chung.

UNSMIL khẳng định sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện lệnh ngừng bắn cùng với một ủy ban quân sự bao gồm các thành viên thuộc cả hai phe tham chiến tại quốc gia Bắc Phi này.

Cả hai phe đối địch đã nhất trí trình dự thảo này lên ban lãnh đạo để tham vấn trước khi họp lại vào tháng tới.

Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo sẽ hướng tới các điều kiện liên quan đến ủy ban phụ trách thực thi thỏa thuận.

Thông báo trên được đưa ra sau vòng đàm phán quân sự thứ hai giữa GNA và LNA tại Geneva, Thụy Sĩ. Các cuộc đối thoại này do Đặc phái viên Liên hợp quốc Ghassan Salame chủ trì nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Libya, qua đó chấm dứt cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của của hơn 1.000 người và khiến 140.000 người phải dời bỏ nhà cửa từ tháng 4/2019.

Ngoài ra, một số cuộc đàm phán tập trung vào vấn đề kinh tế cũng đã diễn ra tại Ai Cập và Tunisia. Dự kiến các cuộc thảo luận nhằm tìm ra giải pháp chính trị sẽ bắt đầu tại Geneva vào ngày 26/2 tới.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.

[LHQ nối lại đàm phán nhắm thúc đẩy ngừng bắn lâu dài ở Libya]

GNA được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ trong khi Tướng Khalifa Hafta đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019, Tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Quân đội của tướng Haftar đã kiểm soát nhiều khu vực của Libya, trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.

LNA và GNA đã tuyên bố ngừng bắn kể từ 0 giờ ngày 12/1 theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, giao tranh hiện vẫn đang diễn ra.

Ngày 21/2, Liên hợp quốc thông báo vòng đàm phán mới giữa các bên xung đột tại Libya đã bắt đầu được nối lại tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn lâu dài tại quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó ngày 20/2, GNA đã rút khỏi đàm phán để phản ứng với vụ tấn công bằng tên lửa của LNA nhằm vào cảng biển Tripoli.

Trong khi đó, Tướng Khalifa Hafta cũng tuyên bố sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn với điều kiện lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rời khỏi nước này và Ankara ngừng cung cấp vũ khí cho GNA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục